Monday, January 23, 2012

Đinh Tấn Khương - KHAI BÚT ĐẦU NĂM NHÂM THÌN




Author: Đinh Tấn Khương .


Nghe kể, ngày xưa vào ngày đầu của năm mới, trong cái khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng ấy thì các cụ (ông đồ, thầy đồ, học sĩ..) trịnh trọng nâng bút lông, nắn nót từng chữ, đề thơ, đề văn.. để khai bút đầu năm, mong một năm mới mọi việc được hanh thông.
Ngày nay,  ai muốn khai bút đầu năm cũng được, chúng ta lại may mắn hơn,  chỉ việc chọn  font chữ đã cài sẵn trong computer rồi ung dung mà gõ vào phiếm, chữ nào chữ nấy trông cũng ngay ngắn và đẹp đẽ, không cần phải siết chặt  tay cầm, cho bớt run, không cần phải nắn nót để viết thành  những chữ thật xinh, trông cho có hồn, để mong suốt năm  gặp được mọi điều tốt đẹp.

Chuyện khai bút đầu năm của tôi thì chỉ mới bắt đầu chừng mấy năm trở lại đây thôi. Có lẽ, là để vơi bớt cái thì giờ nhàn rỗi trong mấy ngày nghỉ Tết, chẳng biết làm gì, chỉ lẩn quẩn trong nhà với vợ cùng con mà thôi!.
Bà con, bạn bè gần xa thì đã gọi điện thoại, gởi email, những người ở gần, thân hơn thì chúng tôi cũng đã ghé thăm, chúc Tết trước rồi. Vào nghĩa trang thăm mẹ thì cũng đã hoàn tất luôn!

 Không có họ hàng ở gần để lui tới trong ngày đầu năm , bà con ở xa thì nhiều nhưng còn lại tình thân thì rất ít, thế nhưng cũng không dám gọi để chúc Tết, e rằng , đầu năm gặp người kiêng cữ quá mức sợ gây phiền cho họ, bởi vì tuổi của tôi lại có mang chữ “canh” ở phía trước!
Người xưa nói “canh côi”, có người lại nói “canh cô”. Côi có nghĩa là đơn côi, chắc cũng chẳng khác gì với “cô”, có nghĩa là cô độc, cô đơn,  ai đó lại nói với tôi rằng, cô là “cô lập” đấy, chắc cũng không sai!

Thôi thì, mình đã lỡ sinh ra nhằm cái năm “canh” như vậy thì đành phải chịu cái số phần đã được định sẵn, chứ biết làm sao mà cải số cho được!?  Nhưng  cứ mãi van vái, “cô”  gì thì cũng được, miễn đừng phải  bị gọi là “cô hồn” thì mừng lắm rồi!?
Cũng may, tôi có được thêm bạn để chia sẻ, qua việc làm, qua giao tiếp hằng ngày, nơi mình ở,  cũng như các bạn đã gặp trên mạng.. cho nên niềm vui trong cuộc sống cũng tạm ổn, cám ơn các bạn rất nhiều!

Bỏ qua chuyện đó đi, đầu năm, phải nghĩ, phải viết, phải nói cái gì đó cho vui vui, để cả năm được vui, phải không thưa quí vị?
Tạm tin như vậy, tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện vui, mà tôi đã đọc được ở đâu đó, bây giờ còn nhớ man mán như sau:
Câu chuyện như vầy, có một gia đình gồm đủ 3 thế hệ, sống chung cùng dưới một mái nhà. Thế hệ thứ nhất, là người mà ngày trước đã đạt tới chức phẩm cao nhờ sở học, thế hệ thứ hai thì sinh ra trong hoàn cảnh không thuận duyên nên không theo đuổi con đường khoa bảng, và thế hệ thứ ba thì có nhiều cơ hội hơn,  đỗ đạt bằng cấp rất cao, có địa vị trong xã hội.

Tiếng đồn về gia đình nầy lan ra khá rộng, chính vì vậy mà thế hệ thứ nhất (ông nội) và thế hệ thứ ba (cháu nội) rất lấy làm không vui về người đàn ông thuộc thế hệ thứ hai (là con của thế hệ thứ nhất và là cha của thế hệ thứ ba).
Thế hệ thứ nhất chì chiết mãi với thế hệ thứ hai:
-         Cả đời mầy chẳng có gì để hảnh diện, mầy không thấy xấu hổ sao!?
Thế hệ thứ ba cũng thường than phiền:
-         Bố chẳng có gì riêng để tự hào, con thấy buồn dùm cho bố!
Chuyện nầy cứ bị nhắc đi nhắc lại nhiều lần, vượt quá mức chịu đựng của người đàn ông thuộc thế hệ thứ hai. Mượn dịp ngày đầu năm, ngày mừng tuổi và chúc Xuân, người đàn ông thế hệ thứ hai thưa với người đàn ông thế hệ thứ nhất rằng:
-         Thưa bố, bố của con là một quan lớn và đứa con trai của con lại có bằng cấp cao. Bố của bố và con trai của bố đâu có được như vậy, phải không?
Rồi ông quay qua người đàn ông thuộc thế hệ thứ ba, nói:
-         Con ơi, bố của bố đạt chức quan lớn, thế mà bố của con đâu có được như vậy, phải không? Vậy thì tại sao lại cứ bảo là không  có gì để hảnh diện với người đời chứ!!??
Câu chuyện nầy cho thấy, đâu phải người không có cơ hội học cao, lại là người  không có quyền hảnh diện với đời!?

                                           ******

Xin kể thêm một câu chuyện nữa nhé, chuyện có thật, xảy ra chừng vài năm về trước, cái thời mà phong trào coi phim Hàn đang nở rộ. Phim Hàn nào cũng có nhiều tập, mỗi tập hình như  kéo dài gần như cả tiếng đồng hồ.
Vợ tôi, lúc đó cũng là một fan rất trung thành, mặc dù công việc hằng ngày rất bận rộn. Nghe người ta kháo rằng, coi phim mà không thấy mấy bà rơi lệ thì đó không phải là phim Hàn. Tôi cũng tin như vậy, vì ngân sách gia đình lúc ấy bị hao hụt trầm trọng, bởi số tiền chi tiêu cho khăn giấy tăng vọt thật đáng kể!
Một hộm, ngày nghỉ trong tuần, tôi vừa  trồng xong mấy bụi hoa ngoài sân vườn, bước vô nhà thì thấy vợ tôi đang khóc thút thít, một tay đặt trên ngực trái, tay kia thì cầm miếng khăn giấy chặm chặm hai dòng lệ đang chảy dài trên đôi gò má. Tôi bổng giật nẩy mình, tưởng rằng vợ tôi quá xúc động khi nghe tin không lành từ người thân hay sao. Tính hỏi xem tin xấu gì và của ai thì chợt thấy đôi mắt của vợ tôi cứ dán chặt vào màn ảnh chiếc TV, đang chiếu phim tập Hàn quốc. Lạy Chúa tôi, lòng bổng nhẹ hẳn đi!

Gần tới giờ cơm chiều rồi mà vợ tôi vẫn  cứ ngồi đó mà khóc tức tưởi. Nhắc mấy lần, là con sắp về rồi, chuẩn bị bữa tối là vừa, nhưng vợ tôi nài nỉ cho xem hết tập vì đang hồi gay cấn, thôi thì cũng ráng chìu cho yên. Hết tập đó rồi mà vợ tôi cũng lại xin cho coi thêm một “chút xíu” nữa  thôi, vừa nài nỉ vừa thút thít:
-         Anh giúp nấu hộ dùm nồi cơm, lấy 4 ly gạo đổ vô nồi, vo vài lần rồi đổ nước cho tới ngang cái mức số 4, bấm nút nồi cơm điện nấu dùm em. Tội nghiệp cái đứa con gái nầy quá, cho em coi một chút nữa thôi, thử xem tụi nó có gặp lại nhau không?
-         Trời ơi, chồng em, con em không có cơm ăn mà em không chịu lo, lại ngồi đó mà khóc thương cho mấy đứa đóng phim lấy tiền!?

Nói thì nói vậy chứ tôi cũng đành phải để cho vợ tôi ngồi đó mà khóc, vì nếu không thì chúng tôi phải ăn những chén cơm có trộn  nước mắt thì tội nghiệp quá đi!

Nghĩ đến câu chuyện nầy mà ngẫm lại chuyện đời, có lắm người không thấy gia đình mình khổ cực mà lại đi khóc dùm cho người khác, đang sống sung sướng. Quả thật, người Hàn rất có tài, biết làm cho người ta đổ lệ. Vì thế, mà tôi tin chắc rằng, người dân bắc Hàn đã khóc thật lòng khi lãnh tụ của họ qua đời, như mới đây vậy!

Đầu năm Nhâm Thìn
Đinh Tấn Khương

Mời đọc thêm :  Chạy trốn ( Đinh tấn Khương )

______________________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment