Cà phê Sài Gòn có thể không phải cà phê ?
Phùng Thức/Người Việt
Khi người Pháp mang thói quen uống cà phê tới đô thị lớn nhất xứ Ðông Dương, đến thời điểm hiện nay, có thể nói chưa có một đô thị nào có nhiều quán cà phê như Sài Gòn.
Ngày nay mọi con đường, mọi ngõ hẻm thậm chí trên lầu các chung cư người ta vẫn có thể tìm thấy quán cà phê. Từ quán cà phê sang trọng bậc nhất ở khu trung tâm cho đến các quán ngồi bẹp xuống lề đường, quán nào cũng đông khách. Nhưng liệu phần lớn người thích uống cà phê của cái đô thị xấp xỉ 10 triệu dân này có phải đang và được uống cà phê hột hái xuống từ cây cà phê không. Câu trả lời là không. Thế họ uống cái gì?
Thực trạng cà phê giá rẻ
Không tính các công ty lớn sản xuất cà phê, riêng ở Sài Gòn có hàng trăm cơ sở tư nhân chế biến cà phê thành phẩm. Sẽ rất dễ nhận ra những người bỏ mối cà phê của những cơ sở này, với một chiếc xe gắn máy chở một cái bao lớn họ chạy khắp các hang cùng ngõ hẻm để giao mối. Chúng tôi tìm gặp một người làm cà phê bỏ mối, anh thiệt tình vừa than thở vừa kể. “Nghề này cạnh tranh khốc liệt lắm anh ơi. Nhưng cũng tội lỗi lắm. Tôi dám cá là cà phê giá rẻ không có chút cà phê nào, toàn là đậu nành với hóa chất hương liệu không hà.” Ðiều anh nói làm chúng tôi bất ngờ, vì theo lẽ thường ai cũng biết cà phê giá rẻ thì không thể đòi hỏi chất lượng, tiền nào của nấy, nhưng nói trong ly cà phê mà đại bộ phận người Sài Gòn, nhất là người lao động đang uống không có chút cà phê hột nào thì thật là khó tưởng tượng.
Thấy chúng tôi ngớ người. Anh giao mối cà phê cho biết thêm. Những quán cóc ở vỉa hè, ở hẻm lao động giá uống một ly cà phê đá khoảng 6,000-7,000 đồng/ly, để pha chế, người bán lấy mối cà phê mỗi ký khoảng từ 60,000 đến 70,000 đồng. Với giá đó thì cái gọi là cà phê thật ra chỉ có đậu nành rang và tẩm hóa chất hương liệu. Nếu cơ sở sản xuất nào có lương tâm thì pha cho chút vỏ xác hột cà phê cho có vị tượng trưng.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết qui trình chế biến cà phê giá rẻ như sau: Ðậu nành, hóa chất tạo bọt, hương liệu ca cao, bơ, hóa chất tạo vị đắng, đường, muối, nước mắm...
Thông thường người ta rang một chảo đậu nành 50 kg, hao hụt khoảng 1/3 trọng lượng. Nếu tính thêm tiền nhiên liệu, tiền nhân công, tiền thuế... Nếu không lấy đậu nành (giá 18,000/kg) thay cà phê hột thì không không ai sản xuất có lời, bởi cà phệ hột (giá dao động trên dưới 45,000/ kg).
Như vậy người ta có thể chắc một chuyện là nếu anh vào một quán cà phê và được tính giá dưới 10,000 đồng/ly thì anh đang uống xác đậu nành tẩm hóa chất. Nhưng nếu anh uống cà phê với giá của dân trung lưu từ 15,000 đến 20,000 thì đúng là anh đang uống khoảng 50% đậu nành. Còn bước vào những quán sang trọng uống một ly cà phê với giá từ 30,000 đồng trở lên thì anh có chút hy vọng cái thứ đang uống đúng là cà phê. Chỉ là hy vọng thôi, vì ở chợ đầu mối Kim Biên luôn sẵn sàng các loại hóa chất dùng để chế biến cà phê cao cấp có xuất xứ từ Trung Quốc.
Có một ông giáo viên, người không bao giờ dám uống cà phê ở các tiệm quán nói nửa đùa nửa thật: “Ðã đến lúc các nhà trí thức ở Việt Nam nên nghiên cứu coi tâm hồn và thể xác các người Việt hiện đại thay đổi ra sao khi nhiều thế hệ đã uống cà phê đậu nành.” Tất nhiên ngày nay ai cũng biết tỷ lệ mắc các chứng bệnh ung thư ở Việt Nam có nguyên nhân từ thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại vào hàng cao nhất thế giới. Nhưng đâu ai biết tinh thần người Việt suy nhược đến mức nào khi mỗi ngày uống thứ đậu nành rang cháy khét.
Chúng tôi còn nhớ trong một lần đón một gia đình Việt kiều về từ Canada, thấy họ mang theo cả một vali cà phê xay Brazil, chúng tôi tưởng họ mang về làm quà biếu. Hỏi ra mới biết rằng nhà họ vốn ghiền cà phê nhưng không dám uống cà phê sản xuất trong nước. Có người cho rằng họ chảnh, nhưng người hiểu chuyện thì tán đồng bởi cẩn thận như vậy vẫn tốt hơn. Trở lại với hàng triệu người thuộc giới lao động Việt Nam đang uống thứ cà phê đậu nành giá rẻ, một câu hỏi đặt ra là liệu họ có biết nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thức uống này không? Câu trả lời là có, tất cả đều biết, nhưng lấy tiền đâu để uống cà phê hột thứ thiệt. Một bác xe ôm, mỗi ngày uống tới ba, bốn ly cà phê nói “Chừng nào chết thì hay. Mà kỳ nghe, uống cà phê dỏm quen rồi tới lúc được mời uống ly cà phê thiệt không thấy ngon, không thấy đã chú ơi.”
Thực trạng và tác hại của thứ thức uống cà phê đậu nành này của người Sài Gòn đã thấy rõ, nhưng nếu kêu gào trách nhiệm của hệ thống kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của nhà nước có khi lại mắc thêm bệnh ngớ ngẩn. Từ chuyện người Sài Gòn ngày ngày uống cà phê-đậu nành tẩm hóa chất, người ta mới vỡ lẽ ra một điều chua xót có một không hai rằng.
Theo bản tin của báo tài chính Bloomberg ngày 23 tháng 9 năm 2011, nhờ thời tiết thuận lợi và gia tăng diện tích trồng, sản lượng cà phê của Việt Nam năm nay có thể tăng kỷ lục. Ước tính từ đầu mùa cho vụ mùa cà phê năm nay là khoảng 1.24 triệu tấn. Nhưng hãng tin khảo sát 12 công ty từ đại diện thu mua, xuất cảng và trồng cà phê của Bloomberg thì ra kết quả lên tới 1.32 triệu tấn. Vụ mùa năm ngoái chỉ được 1.12 triệu tấn.
Ở đất nước trồng cà phê xuất khẩu đứng hàng thứ hai thế giới không ít người dân lại phải uống thứ cà phê là xác đậu nành pha hóa chất độc hại và cả nước mắm.
______________________________________________________
Mỹ Ái ( chuyển tiếp)
______________________________________________________
No comments:
Post a Comment