Wednesday, December 21, 2011

ÔNG GIÀ NOEL ...

                    VÀ NHẠC PHẨM BẤT TỬ  "ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG."

NgyThanh

altKhi nói về một niềm ước mơ hay một món quà, con trẻ trên thế giới thường chia sẻ chung một khuôn mặt khả ái: 
"Ông Già Noel".

Vì lễ Giáng sinh trong tiếng Pháp được gọi là Noel, và các tục lệ Noel do các nhà truyền giáo Pháp du nhập sang Việt Nam, rồi được phổ cập hơn khi người Việt tiếp cận văn minh phương Tây, gọi lễ Giáng sinh là Lễ Noel, và "Le Père Noel" của người ta là Ông Già Noel của mình. 

Đến nay, vì chưa ai xác quyết được căn cước và hộ chiếu thực thụ của Ông Già Noel, nên mỗi quốc gia cứ việc gọi ông bằng ngôn ngữ của mình. Song song với Père Noel bên Pháp và Thụy Sĩ, dân Mỹ và Anh có Santa Claus, còn trẻ em Đức hoan hỉ với Weihnachtsmann, cũng như Sinter Klass của người Hà Lan hay Babbo Natale của dân Ý.

Truyền thuyết
Theo truyền thuyết, Ông Già Noel có thể là hình ảnh của Giám mục Nicholas cai quản địa phận Bari và Myra (nay là Demre thuộc tỉnh Lycia của quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ), sống ở Hy Lạp vào thế kỷ thứ 4, nổi tiếng về lòng tốt của mình, thường bí mật tặng quà cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn. 
Ông chào đời ở hải cảng Lycia thuộc vùng Tiểu Á, đã du hành tới tận Palestine và Ai Cập, trước khi trở thành giám mục địa phận Myra và Lycia. Trong chiến dịch bắt bớ tín đồ Thiên Chúa giáo của hoàng triều La Mã Diocletian, ông bị cầm tù đến tận triều đại Constantine mới được phóng thích. 
Đến thế kỷ thứ 6, mộ phần của ông ở Myra trở thành một trong những nơi nổi tiếng. Qua năm 1087, một nhóm thương nhân và thủy thủ Ý rất tôn sùng Nicholas, đã cải táng, mang hài cốt ông về chôn bên trong đại giáo đường Bari ở Ý, biến thành phố này thành một trung tâm hành hương nhộn nhịp hằng năm.

Huyền thoại về Ông Già Noel không dừng lại ở hình ảnh một ông cụ bụng phệ râu tóc bạc trắng như bông, áo choàng đỏ, thắt lưng và ủng đen, ngồi trên xe trượt tuyết do bầy tuần lộc kéo đi phát quà cho các trẻ em ngoan và giúp đỡ kẻ bần hàn. Một trong những câu chuyện rất phổ biến là truyền thuyết về ba người sĩ quan bị kết án tử hình nhưng được Đại đế Constantine đột ngột tha bổng sau khi nằm chiêm bao thấy Thánh Nicholas hiện đến báo mộng và bênh vực cho họ. 
Thánh Nicholas cũng từng ra tay cứu các thủy thủ bị đắm tàu, cứu ba cô con gái một gia đình Thiên Chúa giáo nghèo khó giữ gìn được phẩm hạnh thay vì bán mình làm điếm... Có một bài ca nhắc lại chuyện ông cứu ba đứa trẻ đi lạc ban đêm vào nhà một tên đồ tể và bị tên này giết rồi chặt khúc ra đem ướp muối; bảy năm sau Thánh Nicolas tình cờ đi ngang qua và đã cứu chúng sống lại. 
Ngày kính nhớ Thánh Nicolas trong lịch Phụng Vụ hằng năm là 6 tháng 12. Nhiều con trẻ ở miền Bắc và miền Đông nước Pháp cũng như nhiều nơi khác tại châu Âu, như Đức, Bỉ tin rằng trong đêm 5 rạng ngày 6 tháng 12, ông bay trên trời với con ngựa chở đầy quà và bánh kẹo cho trẻ em; rồi bí mật đáp xuống để quà lại trong đôi giày ống của trẻ. Để chờ đón, bọn trẻ để sẵn cà rốt và củ cải cho ngựa của Thánh Nicolas ăn.

Cùng với những truyền thuyết khác lặp đi lặp lại việc ông cứu vô số trẻ em thoát khỏi những thảm họa ngặt nghèo, lòng ngưỡng mộ dành cho ông đã lan truyền rộng rãi, tên ông được dùng để đặt cho nhiều địa phương và công trình xây dựng ở nhiều quốc gia, cũng như được biến hóa để dùng làm họ của nhiều gia đình như Nichols, Nicholson, Colson, và Collins. 


Phần khác, Ông Già Noel là thánh bổn mệnh của nước Nga và Hy Lạp, của các hội từ thiện, các công đoàn, các trẻ em và của những thủy thủ đã được cứu sống trên vùng biển Lycia, hay các thành phố như Fribourg, Switz và Moscow. Riêng trên lãnh thổ châu Âu có hàng ngàn nhà thờ được xây dựng để thờ kính Ông Già Noel, trong đó có một thánh đường do chính Hoàng đế Justinian Đệ Nhất của Đế quốc La Mã ra lệnh khởi công vào thế kỷ thứ 6 ở Constantinople, nay là Istanbul, thành phố lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối với giới nghệ sĩ thời trung cổ, phép lạ của Ông Già Noel là một mảng đề tài rất được ưa chuộng. Việc chuyển đổi Thánh Nicholas thành Vị Cha Già của lễ Giáng sinh (Père Noel, Father Chritsmas) thoạt tiên đã được thực hiện ở Đức, rồi lan tới các quốc gia nào có giáo phái Reformed Churches (Hội thánh Cải cách) phát triển mạnh. Tiếp theo, nước Pháp tổ chức ngày lễ hội Ông Già Noel trùng vào dịp lễ Giáng sinh và Năm Mới.

Những Ông Già Noel qua lịch sử và địa lý :


Có lẽ hình ảnh về một Ông Già Noel ăn sâu nhất vào tâm khảm và trí tưởng tượng của con người bắt nguồn từ các tác phẩm nghệ thuật cộng với sự phong phú hóa của các bài ký sự truyền thanh, truyền hình, các bản nhạc, bài thơ, truyện nhi đồng hay tranh vẽ.
Năm 1809, nhà văn Washington Irving (1783-1859) mô tả Thánh Nicholas cỡi mây đi phát quà cho trẻ em ngoan dưới trần thế. 12 năm sau, viết tặng các con mình, mục sư Clement Clarke Moore cho ra đời truyện cổ tích The night before Christmas (Đêm trước lễ Giáng sinh), kể chuyện một Ông Già Noel với chiếc xe trượt tuyết được tuần lộc kéo. 
Hai năm sau, cũng chính ông Moore cho đăng trong nhật báo Sentinel tại New York số đề ngày 23/12/1823 một bài báo có tên A Visit From St. Nicholas (Cuộc viếng thăm của Thánh Nicholas) kể về chiếc xe chở quà dành cho bé ngoan được đàn hươu kéo; 8 con hươu lần lượt mang tên Blitzen, Dasher, Dancer, Comet, Cupid, Donder, Prancer và Vixen.
Đến năm 1839, người ta mới thêm vào con hươu thứ 9 tên Rudolf với chiếc mũi đỏ tỏa sáng có nhiệm vụ soi sáng đường đi cho chuyến xe.

Các truyện hư cấu về Ông Già Noel hiện nay bắt nguồn từ các truyền thống có thể quay ngược về thập niên 1820 này, thời điểm mà người ta cho rằng Ông ấy sống ở Bắc Cực với một bầy khá đông đảo nai hươu, trong đó có 8 con tuần lộc biết bay. Tới năm 1934, khi nhạc phẩm Santa Claus Is Coming to Town (Ông Già Noel sắp vào thành rồi), thiên hạ lại tin rằng Ông Già Noel lên danh sách trẻ em trên địa cầu để phân phát đồ chơi và kẹo bánh cho bé ngoan, hoặc chỉ là cục than đen ngòm vô tích sự cho các bé hư. 

Để thực hiện nổi sứ mạng to tát và toàn cầu này, ông phải nhờ bầy nai tiếp tay chế tạo đồ chơi trong xưởng thợ của chúng, và nhờ bầy tuần lộc kéo xe đi giao hàng khắp thế giới nội trong một đêm.

Nhiều nét trùng hợp về Ông già Noel với việc trẻ em Đức tôn thờ thần Odin trước thời kỳ Chúa giáng sinh còn dấu vết trong ngày lễ hội Yule, với thông lệ liên hoan mừng mùa săn. Hai cuốn sách, Poetic Edda và Prose Edda, cùng có nguồn gốc từ Băng Đảo vào thế kỷ 13 mô tả thần Odin cỡi con tuấn mã tám chân tên Sleipnir có những bước cân đẩu vân ngàn dặm, rất giống với hoạt động cỡi 8 con tuần lộc của thánh Nicholas. 


Hai cuốn sách này cũng nêu ra những tục lệ trong đó con trẻ cũng để sẵn bên trong ủng của mình các củ cà rốt và cỏ khô hay đường dành phần cho ngựa Sleipnir của thần Odin ăn, ngược lại, thần cũng sẽ đáp lễ bằng cách bỏ kẹo bánh vào ủng cho các em. Ở Hà Lan, Bỉ và Lục Xâm Bảo, Thánh Nicholas còn được gọi là De Goede Sint (Thánh Hiền), được sự tiếp tay của những phụ tá mà tiếng Đức gọi là Zwarte Piet, hay Père Fouettard trong tiếng Pháp và Black Peter trong tiếng Anh. Tại các quốc gia này, người ta truyền tụng rằng Thánh Nicholas (Sinterklaas) cùng những phụ tá hằng năm tới từ Tây Ban Nha bằng tàu chạy hơi nước, khởi hành từ tháng Mười Một, mang theo sổ sách ghi tên tất cả con trẻ trên thế gian trong đó phân loại bé ngoan và bé hư. 
Khi tới nơi, trong ba tuần lễ sau đó Thánh Nicholas sẽ cỡi bạch mã băng qua các nóc nhà hằng đêm để thả quà xuống qua ống khói cho những bé ngoan, còn các bé hư thì được những kẻ phụ tá của ông trao những cây sậy mảnh mai vô tích sự thay quà.
Ngược lại với bộ dạng xuề xòa của Ông Già Noel, Sinterklaas là một ông lão nghiêm nghị, quắc thước với mái tóc trắng và bộ râu dài. Ông đội chiếc nón đỏ chóp cao, tay ôm cuốn sách dày ghi tên tất cả trẻ em trên địa cầu, cùng với những sinh hoạt trong năm vừa qua, tương tự Sớ Táo Quân của Việt Nam.

Đối với người Đan Mạch, từ thập niên 1840, một vị tiên của thần thoại bản xứ có tên Tomte hay Nisse chịu trách nhiệm phân phối quà Giáng sinh. Tomte có vóc dáng một tiên ông lùn tịt râu ria xồm xoàm mặc áo quần xám đội nón đỏ. Tới cuối thế kỷ 19, huyền thoại dân gian này lan qua Na Uy và Thụy Điển, thay thế truyện Chú Dê Yule của họ trước kia. Huyền thoại này cũng lan qua Phần Lan, nhưng dân địa phương lưu giữ cái tên, coi như Chú Dê Yule là kẻ mang quà đi phân phát, do đó hình ảnh một chú dê kết bằng rơm tới nay vẫn là một trong những món trang hoàng chính vào ngày lễ Giáng sinh trong vùng Scandinavia.

Với năm tháng dần qua, trong văn hóa đại chúng, Ông Già Noel biến dạng để trở thành một lão ông bệ vệ, cho đến khi nhà hí họa Mỹ Thomas Nast trở thành người đầu tiên "khai sinh" một hình ảnh hiện đại về Ông. Năm 1863, hình đầu tiên vẽ Ông Già Noel do cây cọ của Nast được công bố trên tuần san Harper, mặc nhiên được thế giới chấp nhận, làm sự tích Ông Già Noel sống ở Cực bắc do Nast đề xuất cũng được tán đồng, sau khi bức tranh Lễ Giáng sinh của ông được đăng vào số báo Harper ra ngày 29/12/1866 gồm bộ tranh "Ông Già Noel và Những Công việc của Ông', bên dưới có ghi "Santa Clausville, N.P." (Thành phố của Ông Già Noel, Bắc Cực). Tới năm 1869, khi phát hành bộ sưu tập tranh màu của Nast, người ta tìm thấy một bài thơ trong đó thi sĩ George P. Webster viết rằng nhà của Ông Già Noel "ở gần Cực Bắc, giữa tuyết và băng". Qua năm 1889, thi sĩ Mỹ Katherine Lee Bates còn chơi ngông, tung ra nhân vật "Bà Già Noel", trong thi phẩm "Goody Santa Claus on a Sleigh Ride". Nhưng, "Có Ông Già Noel thật không?" là đề tài một bài bình luận đăng trên tờ New York Sun số ra ngày 21/09/1897, để sau đo"Vâng, bé Virginia ơi, có Ông Già Noel thật đấy chứ!'ù độc giả nhận được bài trả lời nổi tiếng . Từ đó, bài này trở thành một phần không thể thiếu khi nói về các truyền thuyết Giáng sinh tại Mỹ và Canada.

Hình ảnh Ông Già Noel trở thành đại chúng hóa tới mức tối đa khi được Haddon Sundblom mang ra làm chủ đề của chiến dịch quảng cáo qui mô cho công ty Coca Cola vào thập niên 1930, gây trong tâm lý quần chúng một liên kết thích thú giữa màu trắng tinh và đỏ tươi của lon Coca Cola với bộ quần áo đỏ tươi và râu tóc trắng tinh của Ông Già. Thực ra, Coca Cola không là công ty đầu tiên dùng hình ảnh Ông Già Noel để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Năm 1915, khi Thế chiến Thứ Nhất đang súng đạn ì ầm, công ty nước uống White Rock Beverages cũng đã dùng bộ áo quần trắng và đỏ của ổng để tiếp thị hàng của mình, rồi làm lại lần nữa vào năm 1923, khi tung ra thị trường loại nước gừng. Dù sao, Ông Già Noel với râu trắng áo đỏ cũng chẳng xa lạ gì với khách tiêu dùng: ổng đã xuất hiện trên trang bìa tạp chí Puck từ năm đầu của thế kỷ thứ 20.

Ông Già Noel là hình ảnh dễ mến và dễ tiếp cận với mọi người, mang một màu sắc đức độ và vô vị lợi, do đó thường được các hội đoàn và cơ quan thiện nguyện vận dụng, nhất là những cơ quan như Salvation Army. Vào mùa Giáng sinh, ở các ngã tư đường xuất hiện rất đông các thiện nguyện viên mặc đồng phục đỏ trắng, đóng vai các ông - và bà, già Noel để xin tiền giúp đỡ các gia đình khó khăn có cái ăn cái mặc trong những ngày lễ.

Ông Già chui ống khói


Trèo tường, chui ống khói là hành vi phạm pháp. Nhưng không vì thế mà con em các gia đình cảnh sát không treo ủng và cố trở thành bé ngoan, để khuyến khích Ông Già Noel chui ống khói nhà mình.

Truyền thuyết chui ống khói của Ông Già có lẽ phát sinh từ câu chuyện Thánh Nicholas thường liệng tiền xu qua cửa kính, và trong một vài phiên bản mới, truyện cổ tích kể rằng ổng thả tiền xu xuống ống khói ở những nhà nào cửa đóng then cài. Trong bức tranh vẽ Ngày Lễ Thánh Nicholas của họa sĩ người Đức Jan Steen, chúng ta thấy người lớn cũng như trẻ em mặt mày hân hoan ngửa mặt nhìn lên ống khói trong khi một vài bé khác đang đùa với đồ chơi của mình. 

Qua các chuyện trẻ em, người ta duy trì một niềm tin, rằng các vị tiên và thần thánh thường mang quà tặng tới các gia đình thông qua ngõ tắt của ống khói. Tại Mỹ, việc Ông Già vào nhà bằng ống khói trong đêm áp lễ Giáng sinh có lẽ khởi nguồn từ tác phẩm A Visit from St. Nicholas mà chúng ta đã nhắc tới bên trên, trong đó tác giả Moore mô tả ông như một vị tiên.

Ngôi làng của Ông Già Noel
Bất cứ cái gì sinh lợi, dễ dẫn dụ người khác, đều được giới con buôn sử dụng và khai thác. Ông Già Noel cũng không thoát khỏi tình trạng ấy.

Ở Kyrgyzstan, một ngọn núi được đặt tên ông, sau khi một công ty Thụy Điển đưa ra ý kiến cho rằng địa phương ấy sẽ có hiệu lực hơn Lapland khi trở thành điểm xuất phát của tất cả mọi tuyến đường phân phối dẫn đến mọi nơi trên thế giới.

Lapland là tên một thôn xóm nhỏ nằm cách thành phố Rovaniemi của Phần Lan 8km về phía bắc, nơi được ví von là ngôi làng của Ông Già Noel (Santa Claus Village). Tuy bé nhỏ, nhưng vị trí ngôi làng nằm gọn trong quần thể cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ và kỳ vĩ rất dễ nhận ra, với những tòa tháp cao và siêu xa lộ Châu Âu 4 cắt qua - một nơi trên hành tinh mà các nhà quảng cáo vẽ vời rằng khách tới đây có thể diện kiến Ông Già Noel, mỗi ngày sẽ có dịp cắt qua đường vành đai của Bắc Cực kỳ bí, thưởng thức những món ăn đặc sản như thịt tuần lộc và cá hồi... 

Nếu Bắc Âu là thiên đàng của khách du lịch mùa đông và tuyết giá, thì Phần Lan tự hào là xuất xứ của Ông Già Noel. Tới Lapland, là tới nơi chào đời và làm việc quanh năm của ông, để thăm văn phòng Ông Già Noel, nơi ở của các chú lùn, bưu điện Ông Già Noel, lò bánh Noel.

Từ những năm đầu thiên niên kỷ đến nay, làng của Ông Già Noel càng nhộn nhịp hơn, khi Lapland trên vành đai Bắc Cực được du khách chọn làm điểm đến để tiếp cận Ông Già Noel lý tưởng nhất vùng Scandinavia. Con số du khách tăng vọt gấp đôi, riêng du khách quốc tế tăng gấp bốn, rồi vượt quá con số nửa triệu chỉ trong vòng vài năm, sau khi Lapland và toàn thành phố Rovaniemi là hai đơn vị đầu tiên nhận được trợ giúp của Quỹ Nhi đồng LHQ vào năm 1950. 


Quỹ viện trợ của LHQ bao gồm ngân sách để xây dựng một Ngôi nhà Trên Vành đai Bắc cực, và khởi động công tác phục vụ du lịch. Hồi ấy, được tin bà Eleanor Roosevelt bất ngờ quyết định sẽ ghé thăm Rovaniemi trong vòng hai tuần lễ sắp tới, chính quyền địa phương như bị giật điện. Phu nhân tổng thống Hoa Kỳ là người từng nổi tiếng với các công tác nhân đạo. Chọn Lapland làm trạm dừng chân, bà muốn tận mắt chứng kiến công tác tái xây dựng sau chiến tranh; quyết định của bà làm đương kim thống đốc bấy giờ là ông Uuno Hannula lâm vào thế cỡi cọp khi phải tổ chức chương trình đón tiếp bà. Cùng đường, ông phải túm lấy thị trưởng Lauri Kaijalainen. Hai ông đã tức tốc chọn lấy một miếng đất chạy dọc xa lộ Âu châu Số 4 do chủ nhân Eemeli Karinen hiến tặng làm nền để khởi công xây dựng, và ngôi nhà phải hoàn tất trong vòng 7 ngày, để kịp diễn ra nghi thức tiếp đón vị quốc khách.

Cuối cùng, Ngôi nhà Trên Vành đai Bắc cực đã hoàn tất bằng bản thiết kế do kiến trúc sư Ferdinand Salokangas vẽ xong nội trong một đêm, và tiến hành bởi toán công nhân xây dựng do Jarl Sundquist điều khiển, vừa lấy gỗ của cây rừng Ounasjoki mới đốn xuống, vừa cưa xẻ và vừa lắp ráp. Theo thiết kế, lượng gỗ cần là để làm căn nhà đủ chỗ cho hành khách một chuyến xe đò lớn, vì không tài nào huy động đủ nhân vật lực để làm lớn hơn, do đó, khi máy bay của bà Roosevelt đáp xuống ở phi trường, gỗ vẫn còn được kéo từ sông về xưởng thợ, nên những cánh cửa mặt trước của ngôi nhà phải được trám bằng bất cứ cánh cửa nào của những mặt khác vào ngày chót Chủ Nhật 11/06/1950. Tất cả đã hoàn tất kịp thời hạn, chỉ trừ một tiểu tiết: lẽ ra Ngôi nhà Trên Vành đai Bắc cực phải được cất lên ở ngay giao điểm của xa lộ Số 4 Châu Âu cắt qua Vành đai Bắc Cực, nó đã bị lệch xuống phía nam đến 108 mét.

Do con số du khách sau đó lần lượt tới thăm Lapland ngay càng gia tăng, dù chỉ để uống một ly cà phê giải lao, mua vài món hàng lưu niệm, hay ra bưu điện gởi về nhà tấm bưu thiếp mang nhật ấn “Bưu điện Vành đai Cực Bắc”, sau 6 năm, chánh quyền thành phố đã quyết định nới rộng. 


Công trình trùng tu này hoàn tất vào tháng 6/1965. Tới nay, mỗi năm căn nhà đón nhận 90.000 du khách tới để một lần trong đời đặt bước chân ngang qua vành đai Bắc Cực, trong đó có nhiều nhân vật quan trọng hoặc lỗi lạc, như Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Xô Viết Leonid Brezhnev, Tổng thống Nam Tư ông Josip Broz Tito, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson, Tổng thống Ba Lan ông Edward Ochab, cựu thủ tướng Do Thái bà Golda Meier, cựu Thủ tướng Ý ông AldoMoro, lãnh đạo tối cao Iran, Thủ tướng Tiệp Khắc ông Lubomir Strougal, Ngoại trưởng Pháp Maurice Schuman...

Mặc dù giữ được cái tên “Ngôi làng của Ông Già Noel”, nhưng Lapland không giữ được kỷ lục thế giới về con số các ông già Noel tụ tập đông nhất. Kỷ lục này được sách Guinness dành cho thành phố Derry ở bắc Ái Nhĩ Lan, nơi được ghi nhận vào ngày9/09/2007, có đến 12.965 người ghi danh hiện diện tại đây với danh xưng hoặc Ông già Noel, hoặc phụ tá cho ông già Noel, trong bộ đồng phục quần áo đỏ, thắt lưng đen - phá kỷ lục trước đó vào năm 2005 của thành phố Liverpool ở Anh với 3.921 ông, và một kỷ lục khác vào năm 2009 của thủ đô Bucharest ở Romania với 3.939 ông.

Đối với dân Hoa Kỳ và Canada, Ông già Noel cũng là công dân Bắc Cực, nhưng người Canada bảo rằng số mã bưu chính của ông là “H0H 0H0” (trùng với kiểu cười nói “ho ho ho” của ông), mặc dù vần H là mã được ấn định cho đảo Montreal trong tỉnh bang Quebec.

Ngày 23/12/2008, Bộ trưởng Bộ Công dân, Di trú và Đa Văn Hóa Canada, ông Jason Kenney, còn chính thức cấp quốc tịch Canada cho công dân Ông Già Noel, nhằm “để sau mỗi chuyến du hành khắp thế giới, ông có quyền tự động trở lại lãnh thổ Canada của mình”. Nước Mỹ không cấp giấy chứng nhận quốc tịch cho ông, nhưng ở tiểu bang Alaska, có một thị trấn tên Bắc Cực (North Pole) với một căn nhà của Ông Già Noel. Bưu điện Mỹ coi zip code 99705 là mã bưu điện dành cho ông già.

Săn lùng dấu vết Già Noel .


Theo năm tháng, người ta thấy xuất hiện nhiều trang mạng do các cơ quan đoàn thể phổ biến nhằm mục đích săn lùng tăm hơi dấu vết của Ông Già Noel, ví dụ Cuộc Săn lùng Dấu vết Ông Già Noel của Bộ Chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ, Dự án Săn lùng Dấu vết Ông Già Noel của Không lực Úc, Dự án Cập nhật về Ông già Noel, Dự án Săn lùng Dấu vết Ông Già Noel của đài Truyền hình NBC, Dự án Săn lùng Dấu vết Ông Già Noel của Trung tâm Quản trị Hàng không và Không gian Hoa Kỳ... Nghe rầm rộ và qui mô, nhưng đến nay chưa nơi nào tìm được một tí dấu vết. Ông Già Noel vẫn biệt vô âm tín, chỉ trừ những ngày lễ Giáng Sinh, lại... tà tà xuất hiện qua hình ảnh, thiệp Noel và do những người trần mang râu đội mũ giả dạng ông. Riêng chiến dịch truy tìm nguồn gốc và dấu vết của “nhân vật” này tự nó có một nguồn gốc từ 56 năm trước đây.

Vào mùa Noel năm 1955, một cửa hàng trong dây chuyền bán lẻ Sears Roebuck ở thành phố Colorado Springs thuộc tiểu bang Colorado đã làm một chuyện lầm lẫn nho nhỏ khi ghi trên bích chương quảng cáo của mình số đường dây điện thoại nóng để các nhi đồng gọi cho Ông Già Noel. Tấm bích chương lịch sử ấy đã viết: 

"Các bé ơi, Hãy gọi cho Ông qua số điện thoại riêng ME 2-6681, và Ông sẽ nói chuyện riêng với mỗi đứa, bất kể ban đêm hay ban ngày, hoặc đến gặp Ông ở gian hàng đồ chơi trong tiệm Sears. 
Ký tên: Ông Già Noel". 

Khi hàng ngàn cú điện thoại gọi tới vào ngày áp lễ Giáng sinh, chuông máy số ME 2-6681 đổ dồn. Nhưng số máy do Sears ghi không phải của Ông Già Noel ở cửa hàng Sears, mà của Tổng hành dinh Phòng thủ Không gian Các tiểu bang lục địa Hoa Kỳ! Sĩ quan trực đầu tiên bắt máy là Đại tá Harry Shoup, Tư lệnh hành quân. 

.. Nhận được những cú phôn tiếp nối gọi tới đòi gặp Ông Già Noel, ông Shoup đã ra lệnh cho nhân viên của ông trả lời bọn trẻ rằng họ đang nhìn thấy các tín hiệu trên màn ảnh rada trước mặt, cho thấy Ông Già Noel đã rời Bắc Cực và đi sâu xuống phía nam để phát quà. Câu chuyện này được kể đi kể lại trên mặt báo, dưới tiêu đề Cuộc Săn lùng Dấu vết Ông Già Noel của Bộ Chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ, và tiếp tục duy trì như một truyền thống, kể cả sau khi Canada nhập chung với không lực Mỹ vào năm 1958 để đổi cơ quan Tổng hành dinh Phòng thủ Không gian Các tiểu bang lục địa Hoa Kỳ thành Bộ Chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (North American Air Defense Command, hay NORAD). 

Để tiếp tục truyền thống dễ thương này, hằng năm NORAD phải dựa vào sự giúp sức của các người tình nguyện. Mỗi tình nguyện viên trong mỗi tiếng đồng hồ trả lời trung bình 40 cú điện thoại; cả nhóm này mỗi mùa lễ hằng năm phải trả lời khoảng 12 ngàn cái email cộng với trên 70 ngàn cú điện thoại từ năm châu bốn biển và từ hơn 200 quốc gia khác nhau gọi đến cho Ông Già. 

MỸ ÁI  (chuyển tiếp)

No comments:

Post a Comment