Saturday, December 10, 2011

Ngày Xưa Hoàng Thị ..

               Thơ: Phạm Thiên Thư
                                            Nhạc: Phạm Duy
                                                                   Giọng hát: Thái Thanh 





                               
Đúng là một Tuyệt tác, nghe đi nghe lại mãi không chán .

 Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị đã từng gây xôn xao trong đời sống Âm nhạc miền Nam. Cả Thơ lẫn Nhạc đều rất tuyệt vời...  

Từ tiếng hát cao vút của Thái Thanh, một giọng hát được nhiều Văn nghệ sĩ cho là " Tiếng hát vượt thời gian", cùng với những ca từ của Ngày xưa Hoàng Thị chấp chới đi vào hồn người. 

Phải nói rằng, dạo đó thơ Phạm Thiên Thư là một hiện tượng, bởi sau thành công của Ngày xưa Hoàng Thị, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thêm liên tiếp những ca khúc từ thơ Phạm Thiên Thư: Đưa em tìm động hoa vàng, Em lễ chùa này, Gọi em là đóa hoa sầu... Người ta đua nhau tìm đọc thơ Phạm Thiên Thư - một tu sĩ Phật giáo - bởi hơi hướm Thơ vừa nhuốm mùi Thiền vừa vươn tình Trần.  Chẳng thế mà tập thơ Đoạn trường Vô thanh (hậu Kiều) của ông được trao Giải nhất Văn chương - thể loại Trường ca vào năm 1973... 
 Rồi người ta đoán già, đoán non cô Hoàng Thị Ngọ là ai mà có sức hấp dẫn đến thế, khiến cho người thơ đã nương cửa Phật vẫn phải vướng mùi tục lụy ?

Theo Hà Đình Nguyên:

"... Phải đến 40 năm sau tôi mới có dịp diện kiến nhà thơ Phạm Thiên Thư, khác với những gì tôi mường tượng: tác giả Ngày xưa Hoàng Thị không mang dáng dấp thư sinh, nho nhã, mà đẹp như một... “lão ngoan đồng”. Ông hiện là chủ quán cà phê Hoa Vàng ở cư xá Bắc Hải, Quận 10, Saigon tên quán chắc là để nhắc nhớ đến ca khúc Đưa em tìm động hoa vàng nổi tiếng một thời? Câu đầu tiên ông “chào” tôi là một câu lục bát: 

“Dễ gì được một vần thơ/Mà nghe nghiệp chướng, lại ngờ tiền oan”. 

Rồi ông kể về Ngọ: “Rất đơn giản, tôi tuổi Thìn (1940), còn cô ấy tuổi Ngọ (1942) cho nên được bố mẹ đặt luôn tên là Ngọ. Cách nhau 2 tuổi nhưng học cùng lớp đệ tam ở trường Trung học Văn Lang (khu Tân Định). Ngọ có dáng người thanh mảnh với mái tóc dài thả ngang vai. Mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô ấy đứng đầu hàng bên nữ, tôi đứng cuối hàng bên nam, tha hồ ngắm... 

Vào lớp, cô ấy ngồi bàn đầu, tôi bàn cuối. Ngọ học rất giỏi, còn tôi chỉ giỏi... đánh lộn (gia đình tôi vốn có truyền thống võ thuật). Có lần thầy giáo gọi tôi lên trả bài, tôi không thuộc nhưng thay vì lên tận bàn thầy giáo trên bục giảng, tôi chỉ đi đến ngang chỗ Ngọ ngồi thì dừng lại. Ngọ biết ý, lén mở cuốn tập ra cho tôi... liếc, đọc vanh vách!

Nhà tôi ở đường Trần Khắt Chân, nhà Ngọ ở Trần Quang Khải, cũng cùng khu Tân Định nên đi về chung đường. Mỗi lần tan trường, cô ấy ôm cặp đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Tóc Ngọ bay bay trên đôi vai gầy nhỏ nhắn. Có những hôm trời mưa lất phất, cô ấy đưa cặp lên che ngang đầu. Tôi thấy thương quá, muốn làm một cử chỉ gì đó như là để chở che nhưng... thở mạnh còn không dám, nói chi là... 

Đậu tú tài xong tôi vào Đại học Vạn Hạnh”... “Tại sao ông lại trở thành tu sĩ Phật giáo?”. “À, như đã nói, gia đình tôi vốn có truyền thống con nhà võ, từng lập “Học hội Hồ Quý Ly” quy tụ cả trăm người, khiến chính quyền miền Nam lúc ấy nghi ngờ, phải giải tán. Năm 1964 tôi “trôi dạt” vào “ăn cơm chay” ở các chùa: Vạn Thọ (Q.1), Kỳ Quang, Bà Đầm (Q.Phú Nhuận), rồi Đại học Vạn Hạnh... Cho dù đã nương thân vào cửa chùa nhưng mỗi lần đi ngang qua con đường cũ, hình ảnh cô học trò ôm cặp, tóc dài bay bay trong gió vẫn thấp thoáng đâu đây... 
 Và rồi những tứ thơ tràn về: 

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ 
Dưới cội hoa vàng
Bước em thênh thang 
Áo tà nguyệt bạch 
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài... 
Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dáng lau lách buồn
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở
Thương ơi vạn thuở... 
Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát
Bước nhẹ mà sâu... 
Mười năm rồi Ngọ
Tình cờ qua đây
Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng dáng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu
Chân theo tìm nhau
Còn là vang vọng...
Dáng ai nho nhỏ
Trong cõi xa vời
Tình ơi... Tình ơi!”...

“Tại sao nhạc sĩ Phạm Duy biết thơ ông để phổ nhạc?”. “Là thế này, năm 1968, tôi có ra tập thơ đượm mùi thiền Phật giáo, in rất ít, chỉ để tặng bạn bè. Cụ Nguyễn Đức Quỳnh (nhà văn) đọc thấy thích quá mới giới thiệu với nhạc sĩ Phạm Duy, và nhạc sĩ đã phổ 10 bài đạo ca của tôi. Đó là cái duyên để đến năm 1971, nhạc sĩ Phạm Duy lại phổ nhạc bài Ngày xưa Hoàng Thị. Lạ một điều là bà xã tôi bây giờ lại rất giống Ngọ, có thể nói là một chín, một mười”. 

Người viết tuy ngồi trong (động) Hoa Vàng nhưng tiếc ngẩn ngơ vì không được may mắn diện kiến nữ chủ nhân để ít ra cũng có thể hình dung được một nhan sắc thuở nào…". 

Thơ Lục bát của Phạm Thiên Thư thật là hay, mà Thơ 4 chữ cũng không kém. Đặc biệt Ông được coi là "người thi hóa kinh Phật " (dịch kinh Phật ra thơ) và là tác giả của nhiều bài thơ phảng phất triết lý mà ông đã tin theo.

Trong bài Phạm Thiên Thư, người thi hóa kinh Phật, Hà Thi viết:

Nhà thơ họ Phạm này tuy xuất hiện khá muộn (1968), nhưng cũng đã đóng góp vào văn học khá nhiều tác phẩm, đặc biệt là những thi phẩm ở dạng khá độc đáo: thơ Đạo! Một trong những tác phẩm ấy của Phạm Thiên Thư đã được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc (miền Nam Việt Nam) vào năm 1973 (tác phẩm Đoạn Trường Vô Thanh). Một số thơ của ông được phổ thành ca khúc đã mang lại một số đông công chúng yêu thích thơ ông: Em lễ chùa này, Ngày Xưa Hoàng Thị, Động Hoa Vàng, Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu...Thơ Phạm Thiên Thư cứ vấn vít nửa Đời nửa Đạo thật khác thường, làm cho độc giả ngẩn ngơ, bất ngờ...
Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên.

Hoàng Nguyên Vũ trong bài Cõi lạ Phạm Thiên Thư còn cho biết thêm:

Nhà thơ Phạm Thiên Thư sinh trong một gia đình bố mẹ làm nghề bốc thuốc nhưng thích thơ văn. Tuổi thơ của ông khá êm đềm. Những điều đó chỉ cho ông được những tiền đề thuận lợi, nhưng để một tài thơ bật hẳn lên thì phải là từ năm 1958, sau một biến động của cuộc đời...

Chuyện là ông có nhóm bạn thơ họa Hồ Quý Ly, tụ tập đàn đúm thơ phú đêm ngày. Thấy đám văn nghệ sĩ này cứ “ương ương dở dở”, cảnh sát đã giải tán. Ông phải ẩn tu vào một ngôi chùa. Đi tu, thực ra với ông không hẳn là tìm một chốn nương náu, mà ông ngộ ra một điều, ông đã tự tìm cho mình một cõi riêng, một kiểu tu hành riêng...

Ông viết Động Hoa Vàng những ngày đầu ngấm giáo lý nhà Phật, như đánh dấu mình vào một cõi của chính mình trong thi đàn. Dĩ nhiên, Động Hoa Vàng chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhất trong đời viết của Phạm Thiên Thư, nhưng nó đã làm nên một “thương hiệu” của Phạm Thiên Thư. Những câu thơ đẩy cái đạo đời bềnh bồng trên cõi Phật, làm hiện hữu cái cuộc đời đáng sống trên cái mênh mang bao la của phù vân hư ảo:


Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên giục bây giờ chim đi...

Nhiều người đã cho rằng Phạm Thiên Thư đi tu mà lòng vẫn hướng về cõi tục. Ông chỉ cười: “Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình”. Quả thực là từ cõi Phật, ông đã làm được những điều đáng nể: thi hóa kinh Phật, sáng tác những thi phẩm hay và đẹp thuộc diện hiếm hoi trong Văn học Việt Nam...Thơ của ông được nhiều người có tên tuổi trong giới và rất nhiều bạn đọc mến mộ... 

Phạm Duy:

"...Saigon 1971. Tôi gặp Phạm Thiên Thư vào lúc tôi đang soạn những bài ca cho tình yêu và tuổi học trò như Trả Lại Em Yêu, Con Ðường Tình Ta Ði... Tôi được vị tu sĩ vừa cởi áo nâu sồng đưa cho một bài thơ cũng nằm trong đề tài này để phổ nhạc, chỉ khác có một điểm là cô bé trong bài thơ không mang những cái tên diễm lệ như Tuyết Nhung hay Dạ Thảo, mà mang một cái tên rất bình dị là Ngọ, Hoàng Thị Ngọ. 

Tôi dùng một âm giai ngũ cung và một thể nhạc kể truyện để đưa ra Tình khúc rất bụi đỏ đường mơ này. Từ đó, tôi luôn luôn tìm đọc thơ của Phạm Thiên Thư như tập thơ Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng hay bài thơ Gọi Em Là Ðóa Hoa Sầu... để phổ thành những bài hát "Thanh cao nhất của thời đại". 

Ðối với tôi lúc đó, hình ảnh Thiền, Chùa, Động hoa vàng thật là mát mẻ và rất cần thiết. Bài Ðưa Em Tìm Ðộng Hoa Vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của Thi sĩ, và ta chỉ cần có ba đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm Động hoa vàng... Ðể làm gì? Không phải chỉ để nhớ nhau mà chính ra là để ẩn náu vậy. Lúc đó tôi tự coi mình cũng là một kẻ từ quan tìm được một nơi ẩn náu là cõi thơ Phạm Thiên Thư...".

Một sáng cuối mùa Xuân ở đất nước phương Nam, một mình ngồi uống trà xanh, vừa nghe Ngày Xưa Hoàng Thị. "Rằng hay thì thật là hay..". NNS lấy làm buồn tiếc, đã không được trải qua  tuổi học trò mộng mơ, đầy kỷ niệm nơi Quê nhà một thời như Phạm Thiên Thư. Theo Mẹ ra nước ngoài từ hồi còn bé, ngồi chung lớp với những cô bạn học tóc vàng sợi nhỏ, lãng mạng đến đâu thì cũng chỉ như Cung Trầm Tưởng: "Người em mắt nâu/ Tóc vàng sợi nhỏ/ Anh thương em chín đỏ trái sầu..", chứ làm sao sánh được rung cảm như Phạm Thiên Thư:

"Em tan trường về
Cuối đường mây đỏ
Anh tìm theo Ngọ
Dáng lau lách buồn..". 

Năm nay Trời đổi mùa, nhiều mưa. Những cây Phượng tím giăng ngập lối, báo hiệu mùa Hè đến sớm trên đất nước Phước Đức phương Nam. Mùa hè ở xứ người cũng có tiếng ve râm ran gợi nhớ, nhưng không có Phượng đỏ như trong Ngày Xưa Hoàng Thị ở Quê hương mình, mà là Phượng tím. NNS cố tìm chút hình ảnh "Ai mang bụi đỏ đi rồi" , nhưng biết tìm đâu:

Cây xưa vẫn gầy
Phơi nghiêng dáng đỏ
Áo em ngày nọ
Phai nhạt mấy màu...,

chỉ thấy màu tím (buồn rưng rưng ) , phủ rợp lối về.
Thôi thì, mời Thân hữu cùng NNS nghe một Tuyệt tác thật hài hòa của cả 3 nhân tài: Phạm Duy, Phạm Thiên Thư và Thái Thanh, để nhớ lại thời Học-trò-mộng-mơ-hoa-gấm..

Tình Thân,
Kính.

NNS


Dinh Hung (chuyển tiếp )

No comments:

Post a Comment