Saturday, December 24, 2011

Đinh Tấn Khương - ĐÊM GIÁNG SINH .







Author: Đinh Tấn Khương .


Lời người viết: Cám ơn bác sĩ Nguyễn Lê Thảo Vy đã chuyển tiếp và kèm theo comment, cũng như bản dịch bài hát trong clip “David  Garibaldi Jesus Painting” . Cám ơn con đã cho bác nguồn cảm xúc để hoàn thành bài viết nầy.

Không phải vì ngoại đạo mà Hiếu đã không tin vào sự hiện hữu của Chúa trên thế gian nầy. Bởi lập luận rằng, nếu Chúa đã đến để cứu rỗi, để tha thứ cho những lỗi lầm của loài người thì tại sao mẹ con Hiếu lại phải chịu đựng nhiều nỗi khốn khổ như bấy giờ!?

Cái chết do bịnh lao phổi của người cha cách đây hai năm, tiếp theo đó là căn bệnh tiểu đường và cao huyết áp , do thiếu thuốc, dẫn đến biến chứng liệt nửa thân của người mẹ đã đẩy mẹ con Hiếu đến tận cùng vực thẳm của cuộc sống. Mọi sinh hoạt thường ngày của mẹ Hiếu, phần lớn đều lệ thuộc vào những giúp đỡ từ đứa con trai duy nhất của mình, trong lúc còn ở độ tuổi “chưa biết lo” như hầu hết những đứa trẻ vừa tròn cái tuổi 13.

Nhưng Hiếu thì khác, cha chết lúc 11 tuổi,  phải bỏ dở chuyện học vào giữa năm lớp 6, ở nhà  phụ giúp người mẹ ốm đau. Tiền bạc thì vốn dĩ đã thường bị túng quẩn mà lại còn bị hao hụt trầm trọng, theo sau cái chết của cha cũng như căn bệnh kinh niên của mẹ. Gánh nặng tài chánh được đặt lên vai của Hiếu, là người duy nhất kiếm tiền để trang trải cuộc sống cho cả hai mẹ con.

Nhìn mẹ nằm bẹp trên giường, với một thân hình gầy gò ốm yếu đã khiến cho Hiếu đau lòng rất nhiều. Hiếu mãi băn khoăn:

- Lấy đâu ra tiền để chạy thuốc cho mẹ và đủ cơm cho hai miệng ăn!?

Trong độ tuổi non nớt như Hiếu thì biết làm thế nào để kiếm tiền nuôi sống qua ngày là một điều cực kỳ khó khăn chứ nói chi đến cái chuyện chạy thêm thuốc men cho người mẹ nữa.

Nội, Ngoại không còn ai, trừ một vài người bà con liên hệ gần xa của mẹ, ở mãi tận vùng quê, mà họ thì cũng lại rất nghèo cho nên mẹ con Hiếu không hề nhận được một sự giúp đỡ nào cả. Mới đầu, vài người hàng xóm còn thương tình đem lòng bảo bọc, nhưng lần hồi chuyện giúp đỡ đó cũng vơi dần đi  bởi gia cảnh của họ cũng chẳng khấm khá giả gì hơn.

- Làm cách nào để kiếm được tiền!?

Cái câu hỏi ngắn gọn, đơn giản ấy cứ mãi lập đi lập lại trong đầu của Hiếu mỗi ngày, từng phút, từng giây. Hiếu đã hỏi thăm những người láng giềng, rồi cũng thử ra đường, tới nhiều ngôi chợ gần xa để hy vọng kiếm được một chuyện gì đó, đổi sức lấy tiền. Nhưng có việc gì cho một đứa trẻ như Hiếu đâu, khuân vác, chạy bàn ở các quán ăn thì không ai thuê nhận... và thân thể không tật nguyền thì chuyện ăn xin cũng không phải là điều mà Hiếu làm được.

Nhiều lần, chịu không nổi với những cơn đói khát đang hành hạ cũng như nhìn thấy căn bệnh của mẹ trở nặng, do thiếu thuốc, lúc ấy ý định đánh cắp đã nhen nhúm trong đầu của Hiếu. Hiếu mãi dằn vặt giữa sự quẩn bách và lời dặn dò của mẹ là đừng bao giờ nuôi dưỡng cái ý định xấu xa, trộm cắp.

Những giọt nước mắt đã gột rửa cái tâm bất chính và đẩy lùi ý tưởng tiêu cực ấy mà nhiều lúc nó cứ thôi thúc Hiếu mãi. Chính những lúc như thế, Hiếu lại càng không tin là Chúa đã dến với thế gian này, để ban phát tình thương, để cứu rỗi loài người!!

Hiếu luôn tự hỏi:

- Mẹ con mình đã làm gì nên tội, để phải gánh chịu một sự trừng phạt quá tàn nhẫn đến độ như vậy!?
Hiếu luôn bế tắc trước một câu hỏi như thế và cảm nhận được một sự bất công trong cuộc sống đời thường, đang tồn tại!

*****


Hiếu có được cái nghề vá, sửa xe đạp là nhờ ở một người thanh niên ngụ cùng một con hẻm tận tình chỉ vẽ, hướng dẫn. Cũng là một cơ may, gặp được người tốt bụng, hiểu rõ gia cảnh riêng, nên đã cho Hiếu theo phụ việc, học nghề và được chia một ít tiền, vừa đủ  bữa rau bữa cháo, cũng như thuốc men cho mẹ.

Vài tháng sau, người thanh niên nầy lấy vợ rồi đi xa làm ăn nên đã nhường lại chỗ sửa xe cho Hiếu. Chỗ sửa xe chỉ là một khoảng đất chiếm trên mặt lề dãy phố, ở đầu con hẻm dẫn vào nhà Hiếu, bên cạnh là một ngôi thánh đường. Nhờ sự tận tụy, tính tình lương thiện đã giúp Hiếu có được nhiều công việc và lợi nhuận ngày một khá hơn.Lúc bấy giờ, niềm tin vào Chúa đã khởi sự nhen nhúm trong đầu của Hiếu

Hiếu bước vào bên trong nhà thờ, quỳ dưới chân tượng Chúa và dâng lên Ngài một lời tạ ơn, khởi đầu cho một niềm tin.

Vừa sửa xong chiếc xe bị hỏng thắng, đang lui cui thối tiền thì chợt nghe một tiếng động là lạ gần đó. Hiếu quay lại nhìn thì thấy một cậu bé đang nằm sóng sượt bên lề đường, máu thấm ướt cả cái khuôn mặt tái nhợt. Hiếu đoán biết là cậu bé bị xe đụng ngã, nhưng không thấy ai dừng lại. Dòng người hối hả đi qua, liếc nhìn cậu bé đang nằm bất động, rồi cũng lần lượt bỏ đi. Hiếu chạy tới gần, quan sát rồi quyết định thật nhanh, vẫy một chiếc xích lô vừa chạy tới, Hiếu dìu cậu bé lên xe và yêu cầu được chở tới một bệnh viện gần đó.

Xe chạy một quảng khá xa thì Hiếu mới nhớ là mình chưa kịp thu dọn mấy món đồ sửa xe. Nhưng Hiếu không mấy quan tâm, vì nghĩ rằng cứu mạng cậu bé là chuyện cần thiết lúc bấy giờ. Hiếu tin chắc là không ai lấy đi những thứ ấy, nghĩ như thế cho nên Hiếu đã có một chút an tâm.

Cậu bé đã tỉnh lại và máu đã bớt chảy từ vết thương nơi đầu, nhưng sức cậu bé còn quá yếu, bước chân đi không được vững cho nên Hiếu phải ôm chặt đôi vai, dìu thẳng vào phòng cấp cứu, đẩy cậu bé ngồi xuống một băng ghế trống.

Bây giờ Hiếu mới có thì giờ để quan sát cậu bé kỹ hơn lúc trước. Cậu bé chừng độ 10 tuổi, da trắng mịn, nét vẻ thư sinh chứ không phải dày dạn gió sương như Hiếu. Cậu bé được y tá đưa vào phòng khám bên trong nhưng Hiếu không được cho phép theo cùng. Tần ngần một chập thì cô y tá bước ra, đưa một mảnh giấy có ghi một vài tên thuốc, chỉ khâu, dây truyền dịch và một bịch nước biển.

- Bác sĩ dặn cháu chạy đi mua mấy thứ nầy, nhớ là phải thật gấp để kịp thời  chữa trị đứa em của cháu nhé!

Hiếu do dự, muốn nói cho cô y tá biết rằng, mình không phải là người nhà của cậu bé, nhưng nghĩ lại điều ấy cũng chẳng giúp được gì hơn. Hiếu vội vàng chạy thẳng tới chợ trời, nơi bán thuốc tây. Chuyện nầy thì chẳng có gì là khó đối với Hiếu, vì đã nhiều lần Hiếu thường mua thuốc cho mẹ ở đó. Điều làm cho Hiếu lo lắng nhất là sợ rằng mình không có đủ tiền để mua hết những món đã dặn, bởi nhớ lại, là thuốc tiểu đường và thuốc cao máu của mẹ cũng vừa mới hết từ tối qua. Nhưng rất may, số tiền thu được hôm nay cũng kha khá cho nên không bị thiếu hụt như Hiếu đã lo.

Mua xong những thứ như đã ghi trên giấy cùng với hai món thuốc của mẹ. Hiếu lao nhanh về hướng bệnh viện, hấp tấp trao cho cô y tá rồi nói một cách vội vã:

- Thưa cô, cậu bé nầy không phải là em của cháu. Cậu bé bị tai nạn bất tỉnh bên lề đường, gần chỗ cháu làm cho nên cháu đã đón xe chở vào đây để xin được điều trị, nhờ cô hỏi rõ địa chỉ và tìm cách liên lạc với người thân để báo tin, hầu lo tiếp cho cậu bé. Bây giờ, thì cháu phải chạy gấp về nhà để kịp giờ cho mẹ cháu uống thuốc.Chưa xong câu nói thì Hiếu đã vụt chạy ra đường, để lại một mối ngờ vực trong đầu của cô y tá, cô lẩm bẩm:

- Lạ thật, cậu bé trông nghèo khổ như vậy mà lại có một tấm lòng quảng đại thế sao!? Hay cậu là người đã gây ra tai nạn rồi lại giả vờ giúp đỡ như vậy!?

Cô y tá đã không tin vào sự thật của câu chuyện, đang xảy ra, nhưng vì công việc quá bận rộn cho nên không cho phép cô có thời gian để nghĩ ngợi mông lung. Rồi đây cô sẽ tới gặp cậu bé và sẽ hỏi cho ra lẽ.                                     

*****


Trên đường về nhà, bổng dưng một vật gì đó rớt ngay dưới chân mình, chừng như ai đó vừa quăng tới từ phía sau lưng. Hiếu ngoái cổ quay lại, không thấy một bóng người nào cả. Hiếu lấy làm lạ, cúi xuống nhặt lấy cái túi xách, tiến lại gần nơi có ánh sáng tỏ hơn, hắt ra từ một căn phố, Hiếu mở túi xách ra xem thì thấy trong đó có nhiều cộc giấy bạc với mệnh giá lớn và những miếng kim loại dát mỏng màu vàng, được gói trong những bọc giấy màu đỏ. Hiếu nhanh tay lục kiếm mấy giấy tờ trong đó với ý mong tìm được manh mối của chủ nhân chiếc túi, để đem trả lại cho họ. Hiếu thừa biết rằng, mình đang rất cần tiền, nhưng không phải vì vậy mà lại chiếm đoạt món tiền lớn nầy, của một ai đó, mà họ phải chịu đựng một nỗi đau buồn vì sự mất mát tài sản!?

Bất thình lình, có mấy người công an ập tới, giật lấy chiếc túi xách, bẻ ngược hai cánh tay của Hiếu ra phía sau lưng rồi tra vào đó bằng một chiếc còng số 8.

- Cháu đã làm gì mà các chú lại bắt cháu!?

- Giật túi xách người ta mà còn nói là không biết tội gì à?

- Cháu thề với các chú là cháu không bao giờ làm chuyện như vậy, cháu vừa nhặt nó ở dưới đất, các chú đã nghi oan cho cháu mất rồi!

- Không được nói nhiều, thằng nhãi con. Về đồn, tự viết tờ trình kiểm điểm, chừng đó mà còn chối quanh chối quẩn thì liệu hồn đấy nhé!

- Thật sự là cháu vừa mới nhặt được chiếc túi xách nầy mà, cháu không cướp giật của một ai hết. Các chú cho cháu đem thuốc về cho mẹ cháu kịp uống, mẹ cháu bị chứng cao máu và bệnh tiểu đường rất nặng, nếu không có thuốc thì tính mạng của mẹ cháu sẽ bị nguy kịch !

- Câm mồm ngay, thằng nhãi con. Bọn cướp giật như tụi mầy lúc nào cũng có những hoàn cảnh rất thương tâm để nói ra.

Hiếu chỉ biết khóc, khóc cho sự oan ức thì ít nhưng mà khóc vì nghĩ rằng giờ nầy chắc mẹ đang bồn chồn lo lắng, bởi chưa thấy Hiếu về nhà, như thường ngày. Hiếu cũng sợ là mẹ mình đang đói khát và bịnh sẽ trở nặng, do không uống thuốc kịp giờ!

Hiếu được dẫn vào một căn phòng nhỏ, người công an đẩy Hiếu ngồi xuống và tra chìa khóa mở chiếc còng ra khỏi tay, Hiếu cảm thấy dễ chịu hơn một chút. Người công an ngồi xuống chiếc ghế đối diện và bắt đầu bằng những câu hỏi có liên hệ đến lý lịch cá nhân, Hiếu bình tĩnh trả lời nhưng vẫn không thể ngừng khóc, Hiếu nói như van xin:

- Mẹ cháu bệnh nặng lắm chú à, không kịp uống thuốc thì tính mệnh của mẹ cháu sẽ bị nguy kịch. Cháu van xin chú mà, cháu đã nói là mới nhặt được cái túi xách nầy trên lề đường, cháu nói thật đấy. Xin chú cho phép cháu về nhà nấu cơm cho mẹ ăn, cho mẹ uống thuốc xong rồi là cháu sẽ quay lại đây liền. Xin chú thương tình cho hoàn cảnh của mẹ con cháu!?

Ông ta không nói gì thêm, rồi đặt một tờ giấy trắng và một cây viết trên bàn, đẩy tới gần, trước mặt Hiếu.
- Cậu phải thành thật khai báo những gì đã xảy ra. Tôi sẽ trở lại chừng nửa giờ sau, nhớ là phải khai báo thành thật, tội sẽ nặng hơn nếu không chịu khai báo thành thật đấy nhé!

Hiếu đã nói rõ sự thật hết rồi, thế mà có ai tin đâu. Bây giờ, cầm cây bút trên tay, Hiếu không biết là phải viết làm sao, bắt đầu từ chỗ nào và để làm gì khi mà lời nói của mình không hề thuyết phục được ai!?

Suy nghĩ một lát, Hiếu kéo tờ giấy lại cho gần hơn, đặt ngay ngắn rồi bắt đầu viết:

''Lạy Chúa

Con đã đối xử với người khác bằng tình thương yêu của trái tim mình, con đã cố rời bỏ lòng tham lam... để mong được đến với Ngài. Thế mà, con vẫn chưa thấy Ngài chịu đến với con, để tha thứ những tội lỗi, dù rằng con không biết một chút gì về tội lỗi mà con đã gây ra, trong quá khứ và hiện tại. Phải chăng, Ngài vẫn còn muốn thử thách đức tin của con, bằng những hình phạt, để gánh chịu sự nhục nhã và thương đau như hôm nay!?''


Hiếu chẳng biết viết gì thêm nữa, cứ ngồi yên như thế, trong sự yên lặng tuyệt đối của căn phòng.

Cửa phòng lại mở, người công an lúc nãy bước vào, tiến gần đến Hiếu và cầm tờ kiểm điểm mà Hiếu đang viết dở lên đọc. Liếc nhìn, Hiếu thấy cái đầu ông ta lắc qua lắc lại mấy lần, tỏ vẻ như bực tức. Ông ta ném một cái nhìn không thiện cảm về phía Hiếu.

Rồi một người đàn bà bước vào phòng cùng với một người công an khác, Hiếu thấy chiếc xách mà Hiếu đã nhặt, được bà ôm chặt trong lòng. Lướt nhìn Hiếu không lâu, bà quay lại nói với người công an một câu thật ngắn ngủi:

- Không phải thằng bé nầy.

- Có đặc điểm khác biệt gì mà bà đã quả quyết như thế!?

- Thằng bé kia dáng cao hơn, và trên cánh tay trái còn có xăm một cái hình gì đó, tôi không nhìn thấy rõ, dường như đó là một con hổ. Chắc là đã bắt lầm người!

Hiếu nghe như thế thì đứng lặng người. Viên công an cầm tờ kiểm điểm của Hiếu chuyển sang cho người đàn bà đọc. Nét mặt bà dường như xúc động lắm, rồi bà yêu cầu cho Hiếu được ra về, sau khi đã ký tên vào một tờ biên bản điều tra của công an.

Như trút hết gánh nặng trên người, Hiếu lí nhí trong miệng hai tiếng “cám ơn”.

Dường như, người đàn bà còn thắc mắc một điều gì đó, muốn được hỏi Hiếu cho rõ hơn. Ra khỏi cổng đồn công an, bà nắm tay Hiếu kéo lên chiếc xích lô chờ sẵn, bảo Hiếu chỉ đường về nhà. Hiếu chỉ đường xong thì ngồi lặng yên, Hiếu đang lo cho tình trạng sức khỏe của mẹ mình nên chẳng quan tâm gì đến người đàn bà đang ngồi chung trên một chiếc xích lô.

Đẩy cửa bước vào, căn nhà tối om khiến cho người đàn bà hơi do dự. Bà quay lại bảo người đạp xích lô tới đậu gần sát cửa hơn.

Không nghe thấy tiếng mẹ hỏi như mọi ngày. Linh tính báo cho Hiếu biết rằng một điều bất thường đang xảy ra. Hiếu bước nhanh chân và bật mở ngọn đèn, Hiếu thấy mẹ nằm yên trên giường nhưng không chịu đáp trả tiếng gọi của Hiếu. Chạy đến bên mẹ, Hiếu lay lay cánh tay nhưng mẹ vẫn nằm yên bất động. Hiếu đoán biết chuyện gì đã xảy ra với mẹ mình. Hiếu nghẹn ngào:

- Mẹ ơi, hãy tha lỗi cho con, con đã không mang thuốc về cho mẹ kịp lúc.

Tiếng chuông nhà thờ ở đầu con hẻm ngân vang, nhắc cho Hiếu biết hôm nay là đêm Giáng Sinh. Hiếu lại khóc to hơn, tiếng khóc nấc nghẹn của Hiếu đã khiến cho người đàn bà xúc động, bà bước tới gần rồi ôm chặt Hiếu vào lòng. Bà đoán biết được một phần nào đó, câu chuyện đang xảy ra. Bà cảm thấy như mình đã đóng góp một phần lỗi, dẫn đến cái chết của mẹ Hiếu. Bà lẩm bẩm:

- Mình cần phải chia sẻ trách nhiệm với thằng bé bất hạnh nầy!

*****


Hôm nay, Hiếu về nhà hơi muộn vì gặp phải một trường hợp mổ khó. Vợ con Hiếu thì đã về thăm Ngoại tuần trước, khiến cho căn nhà trở nên yên lắng. Pha xong ly caffe, Hiếu ngồi vào bàn, mở email ra đọc.

Một người bạn đã gởi lời chúc mừng Giáng Sinh kèm theo cái clip:

David Garibaldi Jesus Painting


Tiếng chuông nhà thờ vang vọng từ xa, lại nhắc cho Hiếu nhớ đến đêm Giáng Sinh, mấy mươi năm về trước. Hiếu không ngờ được rằng cuộc đời Hiếu đã thay đổi nhiều đến độ như vậy. Nhiều lúc, Hiếu cứ tưởng mình đang chìm trong  một giấc mơ vì không thể tin được rằng có một ngày, mình là một bác sĩ, ở một đất nước phát triển vào bậc nhất, trên thế giới. Cậu bé gặp nạn trên đường, chiếc xách tay, cái chết của người mẹ và sự giúp đỡ của người đàn bà mất túi xách.. như là những nét vẽ nối liền trong bức tranh cuộc đời của Hiếu.

Xin mượn lời comment sau đây (*) để nói lên điều mà Hiếu đang suy nghĩ:

Nhiều khi chính mình không thấy hay hình dung ra được những nét vẽ của Chúa trong cuộc đời, nhưng tất cả là chính Bàn Tay Ngài quan phòng. Và một ngày nào đó chúng ta sẽ hiểu và nhận ra sự mầu nhiệm và hoàn mỹ của bức tranh cuộc đời của mỗi người chúng ta mà Chúa đang vẽ.

Hành trình cuộc đời thật tuyệt vời
̣hi được Chúa dẫn đường!

Xin được tạm dịch bài hát trong video như sau:

Từ ban đầu Ngài đã ở đó
Và Ngài sẽ ở đó tới sau cùng.
Trải qua bao nhiêu lổi lầ̉m bàn tay con đã làm ra,
Ngài tha thứ.

Khi con đã đánh mất tất cả,
Con tìm về,
Và Ngài ở đó
Sau màn đêm u tối
Bình minh lại đến.
Những gì đã đổ nát
Ngài hàn gắn.

Ôi, Ơn Cứu Độ để con được sống dồi dào.
Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa con, và Đức Chúa Thánh Thần!


Mùa Giáng Sinh 2011


  Đinh Tấn Khương
 ______________________________________

(*) Bác sĩ Nguyễn Lê Thảo Vy là một bác sĩ trẻ thuộc thế hệ thứ hai tại Úc, cũng là con gái của một cựu học sinh Nữ Trung Học Qui Nhơn. Thế hệ thứ hai mà viết, dịch tiếng Việt được như vậy, thật đáng khen ngợi!?

5 comments:

  1. Cảm ơn bác ĐTK đã viết bài này.
    Cuộc đời cháu trải qua cũng tương tự nhân vật Hiếu trong câu chuyện này. Một sự trùng hợp thú vị là hiện tại cháu cũng là bs ở 1 đất nước phát triển, cũng có 1 tuổi thơ nghèo khó. Nhìn lại chặng đường đã qua, cháu rất tâm đắc câu "Nhiều khi chính mình không thấy hay hình dung ra được những nét vẽ của Chúa trong cuộc đời, nhưng tất cả là chính Bàn Tay Ngài quan phòng. Và một ngày nào đó chúng ta sẽ hiểu và nhận ra sự mầu nhiệm và hoàn mỹ của bức tranh cuộc đời của mỗi người chúng ta mà Chúa đang vẽ.
    Hành trình cuộc đời thật tuyệt vời ḳ̣hi được Chúa dẫn đường!".
    Cảm tạ Chúa vì sự quan phòng của Người.
    Chúc tất cả mọi người một mùa GS an lành, một năm mới hạnh phúc.
    Saigon

    ReplyDelete
  2. Cho QN sẵn dịp gởi lời thăm hỏi đến SG .
    Khá lâu thấy em vắng bóng , hy vọng là em vẫn khoẻ . Năm mới chúc em cùng gia quyến mọi sự tốt lành .Thương mến .QN

    ReplyDelete
  3. Chào Saigon

    Giống như Saigon, tôi cũng rất tâm đắc với câu nầy.
    Đấy chính là lời bàn của một bs trẻ, sau khi xem xong cái clip "David Garibaldi Jesus Painting".

    Và cũng chính lời bàn nầy, đã gợi cho tôi nhớ về cuộc đời mình, cũng như chứng kiến những vô thường trong cuộc sống..
    Tất cả, đã thúc dẩy tôi hoàn thành bài viết nầy.

    Nhưng thú thật, tôi đã phải cầu xin Đức Chúa hổ trơ (mặc dầu tôi là người theo Phật)giúp tôi hoàn tất bài viết, cho kịp trước ngày Giáng Sinh.
    Và ý nguyện đó đã được lắng nghe. Tôi có niềm tin như vậy, bởi vì tôi chưa bao giờ hoàn tất được một bài viết trong vòng một ngày (tìm ý tưởng, sắp xếp, viết ra..là những gì tôi luôn cần đến một thời gian dài hơn)

    Cám ơn Saigon về tất cả những gì đã gởi đến tôi.
    Chúc Saigon một năm mới an bình, thành công, hạnh phúc trong vòng tay thương yêu của Chúa

    Thân Mến
    đtk

    ReplyDelete
  4. Cháu cảm ơn cô QN. Cháu cũng xin kính chúc gia đình Cô một năm mới dồi dào sức khỏe, bình an, hạnh phúc. Mong rằng trang nhà QN sẽ luôn là bạn đồng hành thân thiết của các...bà nội trợ hihihi (nhờ có trang QN của cô mà tay nghề nấu nướng của cháu được nâng cao, ông xã bảo thế mà).
    Saigon

    ReplyDelete
  5. Gửi bác ĐTK,
    Cháu mới đọc bài viết "Lời nguyện cầu thầm lặng" của bác. Là một người công giáo, nhưng quả thực cháu cảm thấy xấu hổ trước niềm tin vào Chúa của 1 người theo đạo Phật như bác, vì chính cháu đôi khi cháu cũng không đặt hết niềm tin vào Chúa, có những lúc cháu ngờ vực, hoài nghi. Bài viết của bác giúp cháu có dịp xem xét lại đức tin của mình. Cháu cùng chung cảm nhận với câu này của bác "Đức Phật A Di Đà và Đức Chúa Giê Su đều có quyền năng cứu độ, cho rước về cõi Phật, về nước Chúa, tất cả những ai luôn đặt niềm tin tuyệt đối, sống đúng theo lời răn và luôn nhất tâm niệm nguyện đến danh hiệu Ngài".
    Kính chúc bác luôn mạnh khoẻ và có nhiều bài hay cho trang nhà QN.
    Saigon

    ReplyDelete