Tuesday, October 4, 2011

OKINAWA - CHỐN TẠM DUNG .

Quinhơn11

 

Theo dòng đời trôi nỗi, những cuộc gặp gỡ tình cờ nơi chốn tạm dừng chân  ít nhiều cũng để lại những kỷ niệm khó quên. Thời mới lớn, con người thường có lý tưởng trong sáng, luôn muốn sống đẹp, tâm hồn chưa vướng víu nhiều về những được mất, hơn thua. Đó là tôi của những năm tháng ấy.

Được tàu buôn Nhật vớt giữa khơi. Tàu đang trên đường đi đến Singapore, nên cả nhóm được đưa vào bờ giao cho Hồng thập tự Singapore. Chị em tôi tạm trú ở Singapore bốn tháng, khoảng thời gian đủ để làm quen với cuộc sống xa nhà, đủ để vơi đi niềm thương nhớ. Chìm khuất đi nhiều cảm xúc của những bước chân ra đi mà trái tim còn ở lại. Rồi cũng phải quên thôi .!

Thuở  ấy, bất cứ ai trước khi được liên hiệp quốc đưa vào đảo quốc sư tử này đều  phải ký giấy bảo đảm không được ở quá 3 tháng.
Chị em tôi không có thân nhân hay quen biết ai ở nước ngoài, thuộc ưu tiên nhân đạo nên phải chờ đợi rất lâu. Sau thời hạn 3 tháng, chúng tôi phải đi Nhật, Do tàu buôn Nhật vớt nên Nhật phải nhận trách nhiệm cưu mang.

Hôm lên đường đi Nhật, chúng tôi trông cũng khá tươm tất, tuy chỉ là đồ cũ do Hồng thập tự xin được của những nhà hảo tâm đem về phân phát. Bên cạnh, ai cũng ráng sắm được một cái valy nhỏ. Trong rừng người ở phi trường quốc tế hôm ấy, chúng tôi  hòa lẩn với mọi người. Không còn hình ảnh ngơ ngác thường thấy như kiểu mỗi người xách một cái bịch nhựa lớn, chứa tấm phim chụp hình phổi và hồ sơ sức khoẻ ...

Máy bay hạ cánh xuống phi trường Naha, Okinawa lúc nửa đêm. Hôm ấy có mưa nhẹ, nhìn qua cửa sổ phi cơ thấy đường phi đạo trơn ướt, lấp lánh ánh đèn vàng hắt hiu xuyên qua những hạt mưa rơi nghiêng nghiêng .. đẹp, nhưng buồn thắt cả ruột .
Tháng 11, thời tiết ở Nhật đã bắt đầu lạnh . Xuống máy bay cả nhóm chúng tôi lần mò ra được tới nơi đón người. Lóng ngóng chờ khá lâu cũng chẳng thấy ai tới đón. Có chút lo lắng. 

Tới lúc mọi người đi hết, chỉ còn nhóm chúng tôi trơ vơ đứng thì có một nhóm người tiến lại. Họ xổ một tràng tiếng Nhật, chúng tôi ú ớ. May quá, có một  người thông dịch viên VN đi kèm. Họ cho biết có thấy chúng tôi từ đầu, nhưng trông tụi tôi tươm tất, lịch sự, ung dung quá nên họ cứ tưởng du khách, không dám lại hỏi ...

Từ Naha về tới thị xã Motobu nơi có trại tỵ nạn cũng khá xa, cách hơn hai giờ lái xe. Bọn tôi ai cũng đói và mệt, ngủ gà ngủ gật. Chắc họ cũng biết, nên sau đó cho xe ngừng lại một quán ăn khuya, mỗi người được một tô mì nóng có  tên gọi là xôi bà. Trên lớp mì là một cục sườn lớn, giống như xíu quách bên mình. Trong nhóm có người ăn không được, nhưng tôi chịu món này lắm. Đang đói bụng, trời lạnh, được tô mì bốc khói thơm ngát còn gì bằng. Tôi đã ăn một cách ngon lành. Tới giờ vẫn còn nhớ mùi vị tô mì hôm ấy.

Về tới trại, chúng tôi được phân phối phòng ngay. Cứ hai người một phòng. Mỗi người được một tấm nệm mỏng, mền và gối đầy đủ. Mặc kệ ra sao thì ra, mai tính, mệt quá chúng tôi lăn đùng ra ngủ. Sáng hôm sau, Anh Nhân thông dịch viên dẫn đi dạo giới thiệu một vòng chung quanh trại, mới biết đây là một khu chung cư rất lớn, thuộc dạng nhiều 4 plex. Mỗi plex có bốn phòng nhỏ và một nhà vệ sinh chung.. Nhóm chúng tôi là những người 'đạp đất' cho khu trại này.

Trước đây, khu chung cư được cất lên để chuẩn bị cho Expo 75 , khu du lịch quốc tế  ngay bên bờ biển Motobu. Nhưng dự án expo 75 bị ảnh hưởng kinh tế toàn cầu  không thành công như dự tính. Không có người thuê mướn, chủ bị phá sản. Từ đó khu chung cư bỏ trống, hoang phế cho đến khi hồng thập tự mướn để lập trại tạm trú cho người tỵ nạn.

Thời gian đầu, ở trại chỉ có mười sáu người chúng tôi và một văn phòng của ban quản trị. Có 3 người nhật và một thông dịch viên người Việt ( anh này có cô vợ người Nhật  ). Họ lấy một khu, bên dưới làm văn phòng, và tầng trên cho vợ chồng anh thông dịch viên ở. Ban ngày họ có mặt, nhưng sau 5 giờ chiều thì họ về nhà riêng hết.

Phía sau trại là những đám ruộng nhỏ, trồng dưa hấu, khoai lang, bắp v.v..  dân ở đây sống rải rác, thưa thớt trong những căn nhà nho nhỏ, đơn sơ vách bằng gỗ và giấy bồi, nhưng lúc nào trông cũng sạch sẽ, tươm tất. Gần đó, có cái quán nhỏ xíu chỉ bán đồ vặt vãnh nhưng chúng tôi thích lắm, cứ rủ vài ba người, cùng băng qua những đám ruộng dạo chơi, rồi mua những thứ cần dùng như kem đánh răng, xà phòng, mì gói .v.v. Mấy ông thì thỉnh thoảng ra mua vài chai bia về nhậu.

Ở trại, họ cho ăn uống đầy đủ. Mỗi tuần một người được cấp cho 2000 yen Nhật để mua đồ dùng cá nhân cũng như xài vặt. Số tiền không nhiều nhưng chúng tôi, những người vừa trải qua một thời kỳ khốn đốn cùng cực ở VN, lại thêm những ngày lênh đênh bán mạng trên biển, thì cuộc sống như thế này đã là quá tốt.

Tối tối không biết làm gì cho hết giờ, chúng tôi hay lấy đèn pin rọi soi đường đi chơi lòng vòng phía sau. Không khí ban đêm trong lành và thoáng mát, dân quê ở đây thật thà chân chất. 
Đời sống êm ả, bình dị. Đêm đêm nghe tiếng ếch nhái kêu vang mà nhớ nhà da diết. Có lẽ đã nghe nói về chúng tôi, nên lúc đầu đi đâu gặp dân  bản xứ họ  cũng nhìn. Có khi cũng hỏi han nhưng ngôn ngữ bất đồng nên mạnh ai nấy nói, nấy nghe. Tuy nhiên, tôi nhận thấy  họ có cảm tình với chúng tôi lắm. Phần chúng tôi, cũng ráng sống cho đàng hoàng để khỏi mang tiếng cả một tập thể người Việt.

Vài tuần sau đó, được tin có một nhóm đi từ miền trung mới được tàu buôn Hy lạp vớt trên biển, sẽ đưa về đây vài ngày nữa. Tin này làm cả trại ai cũng xôn xao chờ đợi. 
Rồi ngày đó cũng đến. Đoán giờ xe sắp tới, cả đám chúng tôi ra trước sân đợi. Thấy xe vừa ngừng bao cặp mắt tụi tôi đổ dồn, ráng nhìn xem có ai quen?. Đoàn người từ trên xe ngơ ngác bước xuống, vừa trải qua những ngày lênh đênh trên biển nên ai cũng ốm nhom, xơ xác, đen thui ...

Chợt như không tin ở mắt mình, tôi nhào tới gần nhìn kỹ ... rồi thảng thốt kêu tên người con gái vừa bước xuống, nhận ra bạn nơi xứ lạ quê người chúng tôi ôm chầm, xúc động khóc như mưa .. 


Quinhơn11 


_______________________________

3 comments:

  1. Một bài tường thuật gợi nhớ cho những ai từng ở các trại tỵ nạn.
    Sao chờ mãi mà chưa thấy cho đọc đoạn tiếp, tác giả ơi!?

    ReplyDelete
  2. Cô QN ơi , Vậy ra thuyền nhân ở Nhật sướng hơn những người ở mã lai nhiều đó Cô , cháu nhớ hồi đó khổ lắm , sáng nào cũng sắp hàng lãnh đồ ăn cực lắm ...
    Cháu chờ phần viết tiếp của Cô đó .
    ML

    ReplyDelete
  3. Cùng các bạn .
    Đôi khi có những việc không muốn nhớ , nhưng không thể quên . Nên với QN , viết ra cũng là một cách Release .. Sẽ viết tiếp , xin chờ .
    Cám ơn Các bạn đã vào đọc .
    Mến .QN11

    ReplyDelete