Sunday, October 2, 2011

MỘT NGÀY Ở NURSING HOME .

 

Sau ba tháng du lịch ở Mỹ về, những người quen hỏi tôi điều gì làm tôi tâm đắc nhất . Không chút do dự hay suy nghỉ, tôi trả lời :
Đó là cái Nursing Home. 


Họ ngạc nhiên khi thấy tôi không đề cập đến những địa danh nổi tiếng như : Las vegas , Hollywood , Disney-land , những tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới hoặc những cái Mall rộng lớn đi cả ngày chưa hết , những viện bảo tàng , những đại lộ thênh thang , chồng chéo lên nhau như những sợi mì . . . . . 

Tôi đã hưởng một chuỗi ngày dài thật tuyệt vời ,với biết bao điều mới lạ , hiện đại , tối tân mà từ truớc đến giờ tôi chưa hình dung hay tưởng tuợng ra nỗi . Thế mà khi trở về Việt Nam , tâm trí tôi chỉ còn lắng đọng một điều làm tôi ưu tư , trăn trở , ray rức : cái Nursing Home mà mẹ chồng tôi đang sống .

Chặng cuối cùng của chuyến du lịch , chúng tôi đã ở Los Angeles mười lăm ngày để thăm viếng mẹ chồng . Hằng ngày , chúng tôi phải chuyễn hai chuyến xe bus , đi qua GardenGrove ,Westminster , Bolsa và bao nhiêu đại lộ nữa mà tôi không nhớ hết tên , đưa chúng tôi gần trạm cuối cùng của lộ trình . 
Chúng tôi phải đi bộ khoãng năm trăm mét để đến khu dưỡng lão của một tổ chức tư nhân . Đó là một khoảng đất rộng , nằm khuất sau đại lộ Hungtington hai con đuờng , cách bờ biển Hungtington chưa tới hai cây số . 
Một nơi yên tĩnh ,vắng vẻ ,với hai hàng cây sồi đưa vào cái ngõ cụt . Gồm ba dãy nhà trệt , ghép thành hình chữ U ,  nó êm dịu với những cánh cửa sơn màu xanh da trời , nổi bật màu sơn trắng của những bức tường , với những khung kính to trong suốt , lịch sự và trang nhã , bằng những tấm màn voan trắng che rủ . 
Những khóm hoa hồng, cẩm tú cầu đuợc trồng một cách mỹ thuật trước hàng hiên , dưới cửa sổ , tạo cảm giác vui tươi , hưng phấn khi ngồi trên bộ bàn ghế để phơi nắng hoặc hóng mát duới tàng
cây .

Khi vợ chồng tôi đến nơi , kim đồng hồ của phòng trực chỉ 8 giờ 30 phút , bác sỉ và y tá đang đi từng phòng kiểm tra sức khoẻ cho các cụ già . Mẹ chồng tôi tươm tất , sạch sẽ trong bộ quần áo mới thay , nét mặt tươi tỉnh . Họ đã làm vệ sinh cá nhân cho bà từ sáng sớm , truớc khi dùng điểm tâm . Mâm thức ăn sáng chưa dọn , còn để trên bàn . Cô y tá người Việt vào kiểm tra huyết áp , đo lượng đường trong máu , rồi rót nuớc , bỏ thuốc vào miệng bà , ân cần thăm hỏi .

Mẹ chồng tôi không còn nhiều trí nhớ để trò chuyện . Bà hờ hững trả lời những câu hỏi không chính xác , mạch lạc . Những ngày đằng đẳng ở đây đã làm bà trở nên câm lặng . Trái ngược với thuở sinh thời , bà nổi tiếng là người nói nhiều . Ánh mắt vô hồn , lúc nào cũng nhìn lên trần nhà và tách biệt với cảnh vật chung quanh . Thời gian đầu cách đây mười bảy năm , cô em chồng đã bảo lãnh bà sang Mỹ . Bà đã sống một mình trong một căn phòng mà chính phủ ưu tiên cho nguời già thuê .

Ban ngày bà ở đó , chiều đến con cháu thay phiên đón về nhà ăn , ngủ , tắm rửa . Sáng hôm sau lại tiếp tục , như một em bé đi nhà trẻ , đều đặn từ tháng nọ sang năm kia . Gần đây , do tuổi tác quá cao [93 tuổi] , bà bị té gãy xương đùi , không thể đi lại đuợc ,và không thể tự lo vệ sinh cá nhân , nên cô em chồng sau khi bàn tính với các anh chị đã quyết định đưa bà vào đây .

Anh em chúng tôi như bị dồn vào ngõ cụt , tiến thoái đều lưỡng nan . Khó tìm một giải pháp vẹn toàn , con đường nào cũng trắc trở , chông gai . Phải chăng là do số phận , do định mệnh hay do nghiệp lực ? Cuối cùng phải tự an ủi và chấp nhận , đó là quy luật đời thuờng mà xã hội đặt ra để giải quyết .

Lúc chưa sang Mỹ , tôi rất có thành kiến không mấy tốt đẹp và phản đối việc đem gửi cha mẹ vào viện dưỡng lão . Giờ đây tôi mới biết rằng tôi hiểu chưa thấu . Luật pháp ở đây không cho nguời già yếu và trẻ con ở nhà một mình . 
Thuê nguời giúp việc thì không có , hoặc rất là đắc đỏ . Con người ở đây chịu rất nhiều áp lực về công việc làm ăn , tiền bạc . Để đáp ứng nhu cầu vật chất gọi là thiên đường của sự hưởng thụ , nguời ta phải đánh đổi bằng những món nợ khổng lồ , mà người ta truyền miệng nhau : "không mắc nợ không phải là người Mỹ" , đánh đổi sự mất mát tình cảm , đổ vỡ hạnh phúc gia đinh , có khi luôn cả sinh mạng.

Những tấm gương hiếu thảo của thầy Mẫn Tử Khiên trong Nhị Thập Tứ Hiếu : "thờ cha sớm viếng khuya hầu" sẽ không có chổ đứng trong thời khóa biểu của các người con ở thời hiện đại này . Chỉ có những viện dưỡng lão mới đáp ứng những lổ hổng mà người con không thể lấp đầy đuợc . 
Ở đây, chỉ cần một cái nhấn chuông là có bác sĩ , y tá , điều dưỡng , sẳn sàng đáp ứng , giải quyết điều mình yêu cầu . Mẹ chồng tôi kêu đau bụng , là có ngay hai cô điều dưỡng nguời Mễ cao to , khỏe mạnh bồng bà đặt lên cái ghế dành cho nguời khuyết tật , đẩy vào nhà vệ sinh . Tiểu tiện thì tự do thãi vào tả lót , đến giờ họ đi thay .
10 giờ sáng và 3giờ 30 phút chiều , các cụ đuợc tập trung ở phòng giải trí . Những chiếc xe lăn được đẩy tới , xếp thứ tự quanh chiếc bàn dài . Họ tham gia những trò chơi đố chữ , chuyền banh , những trò chơi vận động tay chân , nghe nhạc , xem tivi , và kết thúc bằng bánh ngọt hay trái cây với nước giải khát .

11 giờ 30 và 5 giờ chiều các cụ tập trung ở phòng ăn . Những mâm thức ăn dư thừa năng lượng . Ai không thích ngồi tại đây , thì yêu cầu mang vào phòng . Những chiếc xe lăn được đẩy tới , xếp quanh cái bàn tròn . Bàn này có tám nguời , ba người đàn ông và năm người đàn bà . Chỉ có mẹ chồng tôi là người Việt . 
Ông Mỹ đen trên bốn mươi tuổi, bị tai biến mạch máu não , tay không cử động được , nên người điều dưỡng phải đút cho ông và hai bà kế bên . 

Tôi đặc biệt chú ý đến một bà Mỹ trắng , tuổi trên độ "thất thập cổ lai hi", nét mặt thanh tú , dáng người thon nhỏ , mãnh mai . Thời con gái chắc bà được xếp vào hàng mỹ nhân . Đôi mắt to và buồn . . . . đôi mắt như biết nói, khi đối diện với một người nào . Ngày đầu tiên, bà nhìn tôi cười và chỉ mẹ chồng tôi hỏi "tôi là gì". Tôi trả lời là “con dâu”. Câu chuyện giữa tôi và bà chỉ dừng lại ở những câu xã giao thông thường. Vốn liếng Anh ngữ nghèo nàn của tôi , không cho phép tôi tìm hiểu sâu hơn nữa . Hoặc nếu bà có tâm sự, tôi cũng không thể hiểu hết đuợc . 

Một bữa, tôi thấy bà không chịu ăn , bà ngồi trầm ngâm , rồi những giọt nước mắt liên tục tuôn trào trên gò má xanh xao . . . Bà khóc nức nở . Những người bạn cùng bàn an ủi , làm bà càng khóc to hơn . Tôi nắm tay bà , lau nước mắt và đút cho bà ăn . Bà vẫn khóc như một đứa trẻ . Liên tiếp ba ngày như vậy . Tôi được biết qua cô y tá nguời Việt , là lâu rồi con bà không đến thăm . Hình ảnh tôi đút cơm cho mẹ chồng , làm bà nhớ con và chạnh lòng buồn tủi . Những ngày sau cùng , tôi không dám đưa mẹ chồng ra phòng ăn . Tôi không dám nhìn bà khóc thêm nữa . Lòng tôi cũng xao động , nước mắt tôi cũng chảy dài . Bởi tôi là người rất nhạy cảm và dễ xúc
động . 
Tôi rón rén ra nhìn . Bà ngồi đó , đôi mắt xa xăm , tư lự . Chắc chắn bà đang nghĩ về con bà . Biết bao câu hỏi , đang quay cuồng trong tâm trí : sao lâu rồi con không đến , bận rộn hay có sự bất trắc gì đã xảy ra ? Bà vừa lo , vừa buồn , rồi giận , rồi thương , nhớ , làm bà không tự chủ , đè nén những cảm xúc của mình . Chắc chắn , không biết bao nhiêu lần , cuốn phim dĩ vãng của một thời vàng son đã lần lượt , thường xuyên quay lại trong ký ức của bà . Bà nhớ đến người chồng quá cố , nhớ những đứa con bà hết lòng thương yêu , nhớ những ngày đầm ấm hạnh phúc , nhớ những lo toan , thăng trầm trong cuộc sống . Giờ này con bà có biết bà đang mõi mòn trông đợi hay không ?.

Ở đây , cái viện dưỡng lão này chỉ giúp người già cải thiện , bù đắp những thiếu sót về vật chất , mà con cái không thể hoàn thiện đuợc . Bác sĩ , y tá , thức ăn , thuốc men , máy móc , chỉ giúp họ hết đau đớn về thể xác . Cái tensionmètre chỉ đo đuợc chỉ số huyết áp giao động trong ngày , các máy móc kỹ thuật cao phát hiện những tổn thương sâu trong cơ thể . . . Tất cả những thứ đó không giải quyết,  chữa trị đuợc những đau đớn tinh thần , những giao động tâm lý , những khắc khoải triền miên của lòng khát khao yêu thương . Đó là căn bệnh trầm kha mà không máy móc , bác sỉ , y tá nào chữa trị đuợc . Đó là thứ thức ăn linh nghiệm và hiệu quả mà con nguời đã mõi mòn tìm kiếm và chưa bao giờ thấy no đủ .

Mẹ chồng tôi có sáu nguời con : bốn trai hai gái . Một mình bà nuôi nấng sáu người con khôn lớn trưởng thành . Giờ đây khi tuổi tác chồng chất , sáu người con không chăm sóc được một mẹ già . Dù rất thương mẹ , dù biết công đức sinh thành dưỡng dục , sâu rộng như trời biển ; nhưng không thể nào làm tròn bổn phận , bởi những tất bật , căng thẳng và đa đoan của cuộc sống .

Bên Mỹ có ngày Mother's day và Father's day . Việt Nam có ngày Vu Lan -Bông hồng cài áo . Ai còn cha mẹ thì cài một đoá hoa cẩm chướng đỏ hay hoa hồng đỏ . Ai mất mẹ thì cái một bông cẩm chướng trắng hay hoa hồng trắng . Một hình ảnh biểu trưng , chọn một ngày để nhắc nhở những ai diễm phúc còn có mẹ , để mà yêu thương và trân quý . 
Với tôi một ngày trong một năm như thế là quá ít ỏi . Chẳng khác nào hạt muối trong đại dương . Mỗi ngày , ít lắm mỗi tuần , tệ lắm mỗi tháng , ta phải tự cài lên áo một hoa hồng đỏ , qua một món quà mà mẹ yêu thích : cái bánh , củ khoai , trái chuối , ly sữa . . . . một lời thăm hỏi ân cần , một câu nói ngọt ngào , một ánh mắt ấm áp chan chứa yêu thương , một cử chỉ âu yếm , quan tâm , lo lắng . Đó là đóa hoa hồng đỏ , đã tự nở trên áo của ta , không đợi đến ngày Vu Lan được mọi người nhắc nhở . 

Em chồng tôi , đều đặn mỗi ngày ghé thăm mẹ ,với những món quà mà bà mẹ Việt Nam yêu thích . Mỗi tuần cô cài đủ bảy hoa hồng đỏ thắm . Bảy ngày hạnh phúc và luôn thầm cảm ơn cái đặc ân còn có mẹ để mà tự nguyện và hiến dâng . Thế mà mẹ chồng tôi vẫn không chịu đựng đuợc sự trống vắng , cô đơn khi không có sự đồng cảm giữa những người xa lạ và ngôn ngữ bất đồng . Lúc nào bà cũng muốn về nhà , khẩn khoản muốn về nhà .

Cùng phòng với mẹ chồng tôi là một bà cụ nguời Bắc năm 54 , mới đưa vào ba hôm . Nguời con gái lấy chồng lính Mỹ , đã bảo lãnh bà sang đây mười mấy năm về truớc . Bà chỉ còn da bọc xương , lưng còng gần 90 độ . Bà nằm co quắp như con tôm luộc chín . Bà không còn đủ sức để ngồi lâu . Bà chỉ ăn cháo và uống sữa . 
Buổi trưa , người con gái đem cháo đến đút cho bà , phát hiện đầu bà không ngẩng lên đuợc.  Cô ta hốt hoảng la toáng lên : "tại sao bà không ngẩng đầu lên được , tụi nó đã làm gì bà ?. Có phải tụi nó giật đầu , giật tóc bà không ? Để tôi đi hỏi cho ra lẽ ?". Bà không còn hơi sức mà trả lời . 
Từ khi bà đến nằm trên cái giường này , tôi chưa nghe bà nói gì ngoài tiếng thều thào yếu ớt :"cho con về nhà , con muốn về nhà" . Bà nhìn tôi cầu cứu , tôi nắm bàn tay khô đét , lạnh ngắt và hỏi bà cần gì . Bà chỉ nói một câu đó , lập đi , lập lại không biết bao nhiêu lần . Bà tới đây từ một cái viện dưỡng lão khác , mà cô con gái chê là tệ quá . Cô ta sốt ruột vì thấy mẹ mình suy sụp nhanh chóng . Cô phản ứng lồng lộn . Lòng thương mẹ mù quáng làm cô thốt ra những câu nói không tế nhị . Bác sĩ và xe cấp cứu đến , người ta đưa bà vào bệnh viện lớn để rà soát lại cơ thể . Căn phòng chỉ còn lại một mình mẹ chồng tôi .

. . . . " Sớm mai thức giấc, 
                                  nhìn quanh một mình. . .
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ...........
            Sáng khuya trưa tối, 
                                      nhìn quanh một mình
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
            Đời mong manh quá , .....      
                                      kể chi chuyện mình

Đó là những câu hát não nùng , thật chua chát và đắng cay mà nhạc sĩ Lam Phương đã viết cho số phận của mình vào cuối đời , với những dư chứng của bệnh tai biến mạch máu não .

Chúng tôi về lại Việt Nam , với linh tính biết đây là lần cuối cùng chúng tôi còn thấy mẹ . Buổi chia tay đẫm nước mắt và đau buồn trỉu nặng tâm tư . Mười ngày sau , vào một đêm cuối mùa hạ 2006 , mẹ chồng tôi đã vĩnh viễn không mở mắt nhìn cái trần nhà , mà mấy tháng ròng rã bà ít khi rời nó . Bà ra đi trong sự an giấc của mọi người , âm thầm lặng lẽ không một ai hay biết . Còn biết bao bà mẹ khác cũng đã và sẽ ra đi trong cô đơn tẻ lạnh như thế này .

Tất cả con cháu ở rải rác ở nhiều tiểu bang đau đớn khi nhận đuợc tin khủng khiếp này . Cô em chồng tức tưởi vì bà không đợi cô . Chỉ vài tháng nữa cô sẽ nghĩ hưu non , sẽ đem mẹ về nhà phụng duỡng . Cô đã không điều đình được với Thần Chết . Mọi nguời câm lặng chịu đựng . Trong thâm tâm ai cũng trăn trở , ray rứt , xót xa vì biết bao điều chưa thực hiện : "địa ngục chứa đầy những dự định tốt đẹp" . Làm sao cân bằng lại tâm lý , tìm lại an bình , một khi lòng cứ khắc khoải bỡi những dằn vặt , ăn năn .

Thời gian trôi theo sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật . Nguời ta đã chế tạo ra nhiều thứ. . . . kể cả nguời máy , nhưng có một thứ họ không chế tạo được là trái tim người mẹ . Con người vẫn ăn ngủ , làm việc , theo cái đà tiến hóa . Không biết đủ , không vừa lòng , họ có thể bị con lốc cuốn trôi theo cái thảm họa đua đòi vật chất .
 Nếu không cảnh giác không dừng lại đúng lúc , họ sẽ là một thứ nô lệ mà suốt cuộc đời họ không hề biết hạnh phúc đích thực là gì . Quên bản thân , quên quyến thuộc , quên luôn cả tử thần đang rình rập , chờ đợi , bất cứ lúc nào cũng có thể cướp đi sinh mạng vốn đã mong manh trong từng hơi thở . 

Tại ai ? Tại con người ? Tại xã hội hay tại ta sinh lầm thế kỹ ?

Chủ nhật ngày 2 tháng 10 năm 2011

Tác giả : Nguyên Thúy .

2 comments:

  1. Chị ơi, lâu nay bận quá, không vào nhà chị được, hôm nay ghé thăm được chị đãi đằng quá chừng món ngon vật lạ, làm em thưởng thức từ chiều đến tối vẫn chưa xong...hihihi...
    Câu chuyện của những người già trong viện dưỡng lão luôn làm những nguoi là con cái như chúng ta thật ray rức phải không chị... Em nghe nói khi già thì người ta lại như là con nít. Nên đọc lúc Bà Cụ cứ đòi về nhà thì cảm thấy đau lòng quá phải không chị, vì giống như hồi nhỏ những ngày đầu học mẫu giáo vậy đó, cứ khóc sưng cả mắt và đòi về nhà...
    Nhà em cũng có một người Vú Câm thân thiết, vì không con không cái, nên bà đã sống những năm cuối đời và mới vừa mất tại trung tâm bảo trợ những cụ già không thân thích tại Dalat... Dù rất buồn nhưng lại mừng cho Bà Vú đã thoát được kiếp người đau khổ của Bà... được an nghỉ ở một nơi không còn khổ đau trần gian nữa chị nhỉ...

    ReplyDelete
  2. Chào em , Mấy hôm nay QN cũng bận quá. Em khoẻ không ? . Thời nay, ai cũng đã có sự chuẩn bị tâm lý cho lúc về già, nên QN nghĩ chắc cũng không đến nổi đau khổ , và bị "sốc" như những thế hệ trên đây .
    Tuy nhiên , tuổi già , khi không còn tự lo được cho mình nữa , nằm chờ chết thì cũng buồn lắm em à . Chúc em & gia đình được nhiều niềm vui .
    Thân mến .QN11

    ReplyDelete