Thursday, October 20, 2011

Đinh Tấn Khương : CHẠY TRỐN .




Author
Đinh Tấn Khương .

Tôi không biết tên gọi của ông là gì , nhưng theo quan hệ tộc họ thì tôi gọi bằng Ông , thứ mười nên gọi là Ông Mười . 
Sau Hiệp Định Geneve , Ông Mười tập kết ra Bắ c, giống như những người thanh niên trong làng thời ấy , Lúc rời làng ra đi thì ông vẫn còn  là một thanh niên  độc thân , ra Bắc ông phục vụ trong quân đội , cuối cùng được phục viên với cấp bậc là Đại Úy . 

Ông lấy vợ miền Bắc , đó cũng là chuyện đời thường mà thôi vì ông không có gì vướng bận  như những thanh niên khác . Nghe kể , những người tập kết ra Bắc mà đã để lại vợ con trong Nam thì phải đợi tới lúc Bác Hồ cho phép thì mới được cưới vợ lần thứ hai , cưới vợ miền Bắc . Chẳng  biết chuyện nầy có đúng hay không , nhưng lúc nghe kể thì tôi cứ nghĩ , chắc là mấy ông này sợ vợ trong Nam của mình buồn lòng  cho nên đã đem Bác Hồ ra mà làm tấm bình phong che chở , hòng biện minh cho cái tội không chung tình của mình vậy mà . Bởi lẽ , hầu hết những bà vợ ở lại trong Nam vẫn một lòng chờ đợi , suốt trong hơn 20 năm trời xa cách dù phải chịu đựng rất nhiều nỗi khổ , do bởi cái mối liên hệ đó !? 

Sau khi hai miền đất nước được thống nhất , Ông Mười dẫn vợ con về lại trong Nam với một gia tài gần như không có gi hết , ngoài mấy đứa con . Trước khi vào Nam ông Mười đã thuyết phục vợ mình để được dùng số tiền đã dành dụm trong nhiều năm , mua chục chén kiểu của Trung Quốc , mang theo làm quà cho bà con . Ông gói những cái chén đó trong mấy tờ giây báo rồi cẩn thận đặt vào cái túi dếch cũ kỹ . Suốt đoạn đường dài từ Bắc vào Nam , lúc nào ông cũng ôm chặt trong lòng vì cứ sợ , vô ý sút tay sẽ làm chúng vỡ . 

Thoạt  đầu , gặp lại người thân sau bao năm xa cách Ông Mười mừng lắm , kể chuyện huyên thuyên . Nhưng chẳng bao lâu sau, dường như Ông Mười không còn được vui như vậy nữa . Khác với những gì ông đã nghĩ trước kia , bà con trong Nam của ông , gần như hầu hết ai ai cũng khá giả hơn ông rất nhiều . Mấy cái chén Trung Quốc mà ông đã mua mang theo thì vẫn còn để yên trong cái túi dếch . Ông không dám đem ra làm quà tặng như đã dự tính . bởi vì ông thấy nhà nào cũng có nhiều cái chén giống như vậy hay là tốt hơn , khiến cho lòng ông hơi ngường ngượng , kém vui . Nhìn vẻ mặt , dường như Ông Mười đang suy nghĩ gì đó lung lắm nhưng không nghe ông nói gì cả , ngoài những tiếng thở dài khó hiểu !?

Ông Mười biết rõ , không phải chỉ có mình ông là mang cái tâm trạng kém vui như thế . Nhưng ông tự nhủ , dù sao thì ông cũng đã không đối xử tàn tệ với người thân như câu chuyện người con trai cùng làng , cùng ra Bắc một lượt với ông năm xưa , đã  giết chết cả cha lẫn mẹ chỉ vì ý muốn chiếm đoạt mấy lượng vàng của cha mẹ mình . Cha của người đàn ông nầy , thời trước làm đến chức quan cửu cho nên người ta thường gọi là ông Cửu Quan , luôn được người dân trong làng nể trọng . Người con trai ông Cửu Quan trước lúc tập kết ra Bắc , đang là một thanh niên rất trẻ , có trình độ học vấn và đang giữ một chức vụ cao trong chính quyền tại thị xã Qui Nhơn . Xuất thân từ một gia đình địa chủ , quan lại mà được như vậy thì đủ biết sức phấn đấu của ông ta như thế nào rồi !
Lúc ấy , ai ai cũng nghĩ người thanh niên giàu lòng nhiệt huyết này chắc chắn sẽ có được một tương lai sáng lạng , làm rạng danh cho gia tộc , giống như người cha của ông ngày trước . Cũng chính vì thế , vì cái tương lai sáng lạng đó mà cha mẹ ông cùng người chị gái còn ở lại trong Nam đã gặp biết bao phiền toái , cũng như nhiều phen đã phải vào tù ra khám , suốt trong mấy mấy chục năm mà ông ra Bắc tập kết . Sở dĩ cha mẹ bị tù tội cũng chỉ vì đã liên lạc , tiếp tế cho kháng chiến , những mong làm như vậy sẽ giúp cho người con trai của mình ở miền Bắc , được trọng dụng và cất nhắc . 

Không ai biết rõ , ra tới miền Bắc , người thanh niên nầy đã phấn đấu thế nào mà khi trở lại miền Nam thì ông ta không giữ được một chức vụ gì cho ra hồn như cha mẹ ông từng mong đợi . Phải chăng , vì cái cái lý lịch địa chủ , quan lại của người cha mà ông đã bị nghi ngờ và không được trọng dụng lúc ra tới miền Bắc . Và phải chăng , điều nầy cũng đã khiến cho ông căm thù người cha , người mà ông nghĩ đã cản trở con đường phấn đấu của chính mình , trong công cuộc cách mạng giải phóng giai cấp . Mối thù đó đã dẫn đến một thảm trạng cho toàn bộ gia đình ông sau nầy !?

Vợ ông cũng chỉ là một y sĩ , được phân công làm việc ở bệnh viện địa phương . Cuộc sống của gia đình ông xem ra rất chật vật , mọi thứ đều nhờ ở người chị và cha mẹ ông giúp đỡ . Có lẽ cha mẹ ông buồn lắm nhưng không dám nói ra sợ con trai của mình không được vui !?



 Không hiểu làm sao mà người con trai lại biết được cha mẹ mình còn cất giữ một số vàng cho nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt . Ông ta dùng tình cảm khai thác người mẹ nhưng  không thành công để rồi cuối cùng ông quyết định thực hiện một kế hoạch rất tàn nhẫn . Người cha đã bị giết chết vì một liều thuốc độc được bỏ vào cơm ăn . Cái chết không được điều tra vì chẳng ai nghi ngờ cũng như  đã được bao che nhờ vợ ông đang làm trong bệnh viện .

Không lâu sau đó là cái chết của người mẹ , theo cáo trạng thì người con trai đã dùng búa và  đinh dài 10 phân đóng xuyên thủng  mang tai của người mẹ để khai thác nơi cất dấu số vàng. Cuối cùng thì người mẹ đã chết , vàng cũng lấy được đưa cho vợ và người con trai cũng bị xử bắn . Vụ án đã gây xôn xao dư luận tại Qui Nhơn cũng như lan xa , trong những năm 77-78(?)
 Thảm trạng nầy khiến cho Ông Mười buồn lắm , cũng không khác gì tâm trạng của những người có cùng chung hoàn cảnh như ông . Nhưng với ông , lại còn có nhiều nỗi buồn khác khiến cho ông không thể chịu đựng nổi để cuối cùng đành phải dẫn vợ con của mình trở lại miền Bắc , vĩnh viễn . 

Ông Mười có đông anh em , người chị thứ ba thì có một người con trai , cậu Lùn , đã chết trong một phi vụ trực thăng trong năm 1972 .  Cậu Hưng là con của người anh thứ sáu , cậu Hưng và Cậu Lùn là hai người đầu tiên trong làng đậu được vào trường Cường Để và Tú Tài 2 . Cũng chính vì sự liên hệ với Ông Mười cho nên cậu Hưng đã bị điều tra lúc còn ở quân trường võ bị Đà Lạt . Nhờ có người đứng ra bảo lãnh nên cậu Hưng không bị loại khỏi khóa học lúc bấy giờ . Có lẽ cậu Hưng quá liêm chính cho nên dù có chức vụ là Thiếu Tá nhưng tài sản không có gì để lại cho vợ con sau khi miền Nam sụp đổ và bước chân vào tù cải tạo . Anh rể của cậu Hưng , chồng của người chị thứ năm với cấp bậc Đại Úy , cũng phải trình diện học tập cải tạo , cùng chung số phận như cậu Hưng vậy .

Gia đình Ông Mười được người anh thứ sáu , ba cậu Hưng , cho ở trong một căn nhà hai phòng , căn nhà mà trước kia được dùng để cho thuê , cùng dãy nhà của cậu Hưng và người chị thứ năm của cậu . Ngoài ra , Ông Mười cũng được nhượng cho một phần đất để trồng trọt rau cải , bán độ nhật .

Lúc đầu mấy người  cháu nghe tin Ông Mười trở lại miền Nam thì cũng rất mừng bởi biết được ông làm tới chức Đại Úy , tưởng chừng có thể nhờ cậy để chồng mình được rời trại tù cải tạo về nhà sớm hơn!?
Nhưng niềm hy vọng ấy đã không trở thành hiện thực như từng mong đợi , vì Ông Mười không thể giúp gì cho các cháu của mình được . Chính vì vậy mà mấy đứa cháu đang gặp những khó khăn cùng nỗi buồn vô vọng bởi không biết chừng nào chồng mình sẽ được cho về . Nỗi buồn bực ấy cứ chồng chất thêm mãi theo thời gian , mấy đứa cháu gái không dám trút nỗi buồn phiền đó vào ai mà cứ đổ hết những bực dọc ấy lên đầu Ông Mười . Mấy người cháu cứ khóc lóc , than vãn , hằn học và xiên xỏ với ông, một khi chạm mặt :
-         Chú Mười ơi , chú trở về đây làm chi mà con cháu của chú phải bị chia lìa , phải khổ cực mãi như vậy , hỡi chú Mười !?
-         Tưởng chú ra Bắc làm lớn cho con cháu nhờ đỡ , ai dè bây giờ chú về đây cũng chỉ biết hốt phân , tưới nước .  Như vậy thì theo ra Bắc để được gì hở chú Mười !?
Nghe mãi những lời chì chiết như thế khiến cho Ông Mười buồn lắm , mặc dù ông hiểu rõ cháu ông đang nghĩ gì mà nói những lời như thế . Vợ ông cũng không chịu đựng nổi những lời xiên xẹo của mấy đứa cháu chồng cho nên cả hai đã quyết định đem gia đình trở lại miền Bắc , mặc dù ở đó , cũng có rất nhiều khó khăn đang chờ đợi ông . Và ông cũng biết rằng , có rất nhiều người từ miền Bắc đang xuôi Nam kiếm sống , tuy họ không hề có một người thân nào ở  trong Nam , như ông !
Nhưng chắc là Ông Mười đã nghĩ rằng , nơi ấy sẽ giúp cho tâm mình được bình yên
hơn !?
Ông Mười lại đi ra Bắc lần thứ hai , mà lần nầy thì không phải vì nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ , như năm xưa kia nữa , mà là để CHẠY TRỐN những ray rức cứ vương vấn mãi trong cái đầu của ông , đang bước vào độ tuổi xế chiều !
 

Ông ngậm ngùi chạy trốn những người thân , rời bỏ mảnh đất quê hương mà ông không thể nào quên được . Và cũng biết chắc rằng ông sẽ không bao giờ gặp lại , vĩnh viễn là như thế !?

Viết xong tại Sydney
Ngày 19 tháng10 năm 2011


Đinh Tấn Khương .

No comments:

Post a Comment