Tháng 4 là mùa Xuân của nước Nhật . là những ngày của hoa Anh Đào rực nở , mang lại biết bao niềm vui cho người dân bản xứ cũng như cho nhiều du khách đến từ phương xa , qua các kỳ lễ hội suốt mùa hoa .Thế nhưng , cũng là tháng 4 (năm 1975) mà sao lại làm biến đổi cuộc đời tôi , theo cùng vận mệnh của một đất nước , để không còn thấy được tự do .. mãi cho đến tận bây giờ !?
Cho phép tôi được dẫn chứng ...
Đầu tháng 4 năm 1975 , tôi bay ra Nha Trang đón gia đình đến từ Qui Nhơn . Theo lời dặn của người Dượng , chồng Dì cả , chị kế Mẹ tôi , là phải đưa gia đình vào Sài Gòn sớm . Tuy nhiên , mọi người vẫn còn chần chừ bởi vì một trong hai chiếc xe tải chở đồ dọn theo , bị hỏng máy đang cần sửa .Cuối cùng , quyết định là tôi phải mang một số tư trang của đại gia đình về Sài Gòn trước , bằng máy bay . Cả nhà sẽ theo xe tải đi thẳng Sài Gòn .
Buổi sáng hôm sau tại phi trường , chờ đến giờ làm thủ tục lên máy bay . Thấy có nhiều xe quân cảnh hụ còi chạy vào , tra xét giấy tờ và chất vấn nhóm người mặc đồng phục màu đen (Xây Dựng Nông Thôn) .Vài người cho biết , nhóm nầy đến từ vùng cao nguyên và có tin là họ đã chiếm hữu một món tiền , khá lớn ?
Thủ tục check-in cho chuyến bay hôm đó bị trễ nhiều , tôi không biết tại sao ? Nghi ngờ có điều bất thường cũng như muốn ở lại với Mẹ thêm một đêm nữa , cho nên tôi đã quyết định xin đổi lại chuyến bay vào ngày hôm sau .
Sau nầy , có tin là chuyến bay đó đã bị nhóm người mặc đồ đen áp lực bay sang Thái Lan , xin tỵ nạn (?) . Nghe tin đó , nhiều lần tôi đã hối tiếc , để vuột một cơ hội rất hiếm hoi ! (mất cơ hội lần thứ nhất ) .
Về đến Sài Gòn , hai hôm sau tôi lại phải bay ra NhaTrang lần nữa . Nhận mệnh lệnh của người Dượng , là bằng mọi cách phải đem cho được cả đại gia đình , trên dưới 20 người , vào Sài Gòn gấp .
Theo lời căn dặn , tới Nha Trang là phải đặt mua vé máy bay ngay lập tức . Đồ đạt mang theo thì tìm chỗ gởi , đừng nên bận tâm , vì tình hình chừng như không còn cho phép được chậm trễ !
Gặp lại gia đình , gom tất cả giấy tờ tùy thân và một số tiền mặt rồi đi thẳng đến hãng hàng không VN , tại thành phố Nha Trang .
Đang đứng chờ trong cái hàng dài ngoằn ngèo trước quầy bán vé . Gần tới phiên mình thì tôi chợt thấy có nhiều người bước vào và đứng chật cả căn phòng với súng ống trên tay .
Với linh tính bén nhạy đã quen , tôi đoán biết , chuyện chẳng lành sẽ sắp xảy ra , Tôi lui dần tới cửa và chạy nhanh ra ngoài . Bổng nghe có nhiều tiếng súng nổ vọng ra từ bên trong .
Sau nầy , nghe tin là quầy vé bị đánh cướp , hãng hàng không đã đóng cửa từ ngày hôm đó . May cho tôi , nếu sự việc xảy ra chậm hơn chừng 5 phút thì chắc là tôi đã mua được vé hoặc là còn bị kẹt bên trong thì cũng mất toi một số tiền không nhỏ ! Các chuyến bay tới , lui NhaTrang đều bị đình chỉ sau đó .
Đang chạy trên quốc lộ 1 , anh họ của tôi là sĩ quan tình báo , xuất thân từ trường Cây Mai . Anh nhận ra , trong đoàn xe quân sự đang chạy theo hướng về Sài Gòn , có một chiếc jeep mang biển số “sao” bị bẻ cụp xuống . Anh quả quyết đó là xe của Tướng Phú . Có lẽ anh thường đi dự các kỳ họp của Ban Chỉ Huy Hành Quân, nên đã quen . Anh không nhận diện được ai ngồi bên trong xe , nhưng anh chắc chắn rằng vùng 2 đang bị bỏ ngỏ .
Bàn bạc một hồi , chúng tôi đi đến quyết định “Nam tiến” bằng đường bộ .
Nhưng khổ nỗi , lúc đó tình hình rất xáo trộn . Trên quốc lộ 1 ,từng đoàn lính rã ngũ từ cao nguyên đổ về nhập chung cùng đoàn người dân , đang gồng gánh bỏ chạy vào
Nam . Ai cũng cần đến phương tiện di chuyển để thoát thân , chuyện cướp xe là điều khó tránh .
Vì thế tôi bàn với ông anh là phải lái chiếc jeep vào Cam Ranh và gởi ở đó . Nó là nguồn cung cấp xăng cho chiếc xe Honda 2 bánh duy nhất , nhằm di chuyển người nhà . Lúc đó các cây xăng đã đóng cửa hay bị đập phá , cho nên xăng đã trở thành một món hiếm .
Chúng tôi đi đến quyết định , những quân nhân sẽ thay phiên nhau chạy xe gắn máy để di chuyển người nhà . Như vậy , khả năng bị cướp xe sẽ ít xảy ra hơn .
Tôi không phải là lính , nhưng đã tham dự mấy khóa huấn luyện quân sự học đường , nên cũng biết xử dụng súng , chút ít . Tôi mặc một bộ quân phục có gắn bông mai của ông anh . Một tay cầm khẩu súng colt 45 ,vai thì lại mang thêm một khẩu súng M18 nữa. M16 là loại súng được dùng trang bị cho các đơn vị tác chiến , lúc bấy giờ . M18 thì hiếm và trông có vẻ bắt mắt hơn M16 rất nhiều .
Có người chỉ vào tôi , nói đùa :
- Nó mặc đồ lính , trông giống Tướng Toàn quá đi chứ !?
Tôi cũng đùa theo :
- Ấy , đừng nói vậy . Lỡ bị nhận diện lầm , lãnh một tràng AK thì bỏ mạng !
Mẹ tôi nghe thế lại đâm lo , tôi cố trấn an bà .
Áp dụng phương thức di chuyển : “ tới lui , lui tới ”, đó là :
Mỗi lần chở được hai hay là ba người tùy theo từng độ tuổi hay độ béo , gầy .
Chạy chừng một đoạn dài thì thả xuống , để họ tiếp tục đi bộ theo hướng vào Nam . Xe quay lại đoàn người phía sau , trong lúc cũng đang đi bộ nhằm cắt ngắn khoảng cách xe quay lại đón . Cứ thế mà di chuyển , cuối cùng thì cả nhà vào tới được Cam Ranh .
Chạy chừng một đoạn dài thì thả xuống , để họ tiếp tục đi bộ theo hướng vào Nam . Xe quay lại đoàn người phía sau , trong lúc cũng đang đi bộ nhằm cắt ngắn khoảng cách xe quay lại đón . Cứ thế mà di chuyển , cuối cùng thì cả nhà vào tới được Cam Ranh .
Hôm sau, nghe tin một vài cây cầu nối liền Cam Ranh và Phan Rang đã bị không lực VNCH đánh sập vào đêm hôm trước , nhằm ngăn chận đường tiến quân của bộ đội miền Bắc . May mắn , lúc đó dòng sông đang cạn nước cho nên cũng không làm trở ngại hành trình vào Nam của mọi người .
Có lẽ thấy gia đình tôi có nhiều quân nhân , lại thêm thằng em bà con là sĩ quan Biệt Động , trông tướng rất ngầu . Cho nên ông thượng sĩ già , tài xế của chiếc GMC đã đến thương lượng với anh tôi , xin được hợp tác để được bảo vệ . Một mình ông , đâu dám lái cái GMC ra đường bởi vì chắc chắn xe sẽ bị cướp . Cũng có thể bị cướp luôn cả tài sản những người mà ông đang mang theo . Chúng tôi đã chấp nhận sự hợp tác . GMC là loại xe lớn cho nên cũng vừa đủ chỗ cho mọi người .
Nhờ dòng sông đang cạn nước , anh tôi hướng dẫn để tìm lối vượt sông và tiến thẳng về hướng Phan Rang .
Trên đường , gặp những chiếc xe hơi kể cả xe quân đội có treo cờ trắng chạy ngược chiều , nhưng không có gì đáng tiếc đã xảy ra !
Đến Phan Rang vào chạng vạng tối , đúng lúc lính nhảy dù vừa đổ quân vào Phan Rang , chiếm lại thành phố đang bỏ ngỏ .
Tìm nhà quen cho mọi người tạm trú . Anh em chúng tôi đi “săn tin” và biết được có một chiếc tàu , được chính phủ Hoa Kỳ thuê để cứu vớt những người tỵ nạn . Tàu nầy , đang đậu ngoài khơi lãnh hải Phan Rang .
Tìm thuê một thuyền con , trực chỉ ra hướng tàu lớn và được thủy thủ đoàn đón tiếp , chuyển lên boong tàu . Mừng rỡ vì được thoát hiểm !
Vài ngày sau đến được Vũng Tàu . Mọi người được chuyển sang một chiếc tàu cũ nằm xa bờ , để chờ lệnh nhập cư của chính quyền địa phương .
Trước khi rời tàu , viên trung sĩ cùng đơn vị tình báo của anh họ tôi , đang giữ vai trò là thông dịch viên thiện nguyện , đã đến hỏi chúng tôi :
- Tàu sẽ đến đảo Gam sau vài chuyến vớt người tỵ nạn nữa thôi . Tại sao không ở lại để được nhận vào Mỹ ? Anh họ tôi đã không quyết định lưu lại , vì chưa liên lạc được với Ba của anh ở Sài Gòn , cho nên đành chấp nhận vào đất liền . Sau nầy , tôi cũng lại hối tiếc vì đã để mất một cơ hội hiếm hoi khác nữa ! (mất cơ hội lần thứ hai ).
Cả gia đình tới được Vũng Tàu an toàn . Tuy nhiên , theo quân lệnh thì những quân nhân , sĩ quan từ miền Trung chạy về , phải trình diện quân khu mà không được rời khỏi Vũng Tàu . Tôi liên lạc với Dượng Hai , ông bảo cứ đưa người nhà về Sài Gòn trước . Những người không được phép rời khỏi Vũng Tàu thì tiếp tục ở trong khách sạn , chờ giải quyết .
Về đến Sài Gòn bình yên , tôi và Dượng đã đến gặp bác Lê văn Diện (Dân Biểu Quốc Hội đơn vị Bình Định) nhờ đón những người còn kẹt lại Vũng Tàu để đưa về Sài Gòn . Vì xe của Bác có đặc quyền “không bị khám xét ”.
Tôi còn nhớ rõ buổi sáng hôm ấy , trên đường chạy ra Vũng Tàu thì Dinh Độc Lập bị bỏ bom (do phi công Nguyễn văn Trung thực hiện) .
Lúc ấy , Bác Diện có vẻ bồn chồn lắm vì Bác vừa nhận được tin người anh ruột là Bác Lê Văn Quế (Nghị Viên Hội Đồng Tỉnh Bình Định , đồng viện của Dượng Hai ) đã tới đảo Phú Quốc , nên bác Diện muốn sắp xếp ra Phú Quốc đón về gấp . Bác quả quyết :
- "Tò te ma le đánh đu" rồi , không còn nghi ngờ gì nữa . Phải chạy đua với thời gian !
Dượng Hai và tôi cố thuyết phục nên Bác đã đồng ý nhưng lại đặt điều kiện , tôi phải thực hiện “công tác” thật nhanh gọn .
Ra tới Vũng Tàu , trở lại khách sạn cũ thì mới vỡ lẽ là những người thân , đã tự động chuyển sang một khách sạn khác mà không để lại một tin tức gì cả .
Bác Diện và Dượng Hai rất bực , cho rằng tôi đã không biết sắp xếp . Nào phải lỗi tại tôi , nhưng không dám cãi lại !
Tôi xin nhờ điện thoại của khách sạn , gọi đến hầu hết những khách sạn tại Vũng Tàu , dò xem họ đang ở đâu !?
Cuối cùng thì cũng tìm ra được khách sạn mà họ đang ở . Tới nơi , biết thêm nhiều chuyện đang xảy ra ở đó , nhưng chẳng dám “quan tâm” vì nhớ tới hai cái khuôn mặt bực bội , đang ngồi đợi trong xe . Tôi hối thúc mọi người check out , để kịp về Sài
Gòn .
Những ngày sau đó , Bác Diện đã sớm chuẩn bị lương thực và mua thuyền con , nhằm đưa toàn bộ gia đình rời khỏi Việt Nam . Bác đồng ý cho một vài người chúng tôi đi theo . Dượng tôi đã tìm mua một căn nhà để cho gia đình có chỗ ở . Mẹ tôi và những người thân khác thì ở nhờ tại nhà của người Cậu họ , cách đó không xa .
Lúc ấy tôi đã tính xin theo Bác Diện . Nhưng tôi lại chần chờ , vì nghĩ rằng còn có cơ hội theo Bác Phan Thông bằng đường máy bay (mất cơ hội lần thứ ba ) .
Bác Thông là Thượng Nghĩ Sĩ nên có thẻ đặc biệt ra vào phi trường , để được bốc đi .
Sau đó , phi trường Tân Son Nhất cũng bị dội bom và bị tê liệt , không còn chuyến bay . BácThông cũng không đi được , phải đành chịu ở lại . Thế là tôi cũng lại mất đi cơ hội thêm một lần nữa ! (mất cơ hội lần thứ tư) .
Hết đường “binh” , thì gặp lại Mỹ trắng , thằng bạn học ngày xưa , là sĩ quan không quân lái trực thăng , vừa chạy vào từ miền Trung . Mỹ ghé lại nhà và rủ tôi cùng nó đi tìm đơn vị để lấy máy bay , bay ra Hạm Đội Hoa Kỳ đang đậu ở ngoài khơi .
Xin Mẹ tôi 2 lượng vàng lận lưng . Hai đứa quyết tâm ra đi trong khi Mẹ tôi thì đang khóc , nhưng không ngăn cản .
Rồi “duyên hay nợ” đã giữ tôi lại..!!??
Bước ra khỏi cổng , chẳng biết có phải là mình đang quá xúc động hay không mà tay của tôi cứ run lên mãi , làm rớt cái ổ khóa cổng sắt đến những hai lần .Tới lần thứ 3 thì mới khóa được ( khoen khóa nằm cao bên trong cánh cổng sắt , phải thò tay qua cái lỗ trống mới khóa được) .
Quay lại, nói với Mỹ :
- Xong rồi , chúng ta đi thôi !
Chưa kịp bước đi thì một chiếc xích lô vừa trờ tới , hỏi và trao cho tôi một bức thư . Mở ra xem thì biết đó là thư của "người tình xứ nẫu" , người mà lúc đó tôi tưởng chừng , sẽ không còn một cơ hội nào để được gặp lại ! (vì đang chạy trốn đó mà !?)
Hai mẹ con nàng đã rời Qui Nhơn, vừa tới Sài Gòn trong đêm hôm trước . Nàng chưa kịp tính gì nhưng cái cậu đạp xích lô ở nhà bên cạnh , cứ hối thúc nàng viết thư và nhận chuyển dùm đến tôi (sau nầy nghe nàng bảo thế) .
Và bức thư đã tới thật đúng lúc . Nếu tôi đã không làm rớt ổ khóa hai lần thì đâu có cơ hội để nhận được cái bức thư “định mệnh” trong ngày hôm đó !?Thế là tôi đã quyết định ở lại và bỏ thằng bạn của tôi ra đi một mình . Nó đến được Mỹ không lâu sau đó ( lại mất cơ hội đến lần thứ năm )
Nhiều năm sau , Mỹ đã trở về VN cưới vợ , vợ nó là người con gái mà chưa được sinh ra , lúc nó đang tìm đường chạy trốn .
Đám bạn của chúng tôi , có đứa tỏ ra ganh tỵ vì thấy nó “hên” thật . Có lúc tôi cũng tự hỏi :
- Giá mà mình đã cùng đi với nó , thì biết đâu cũng sẽ vớ được cái cơ hội hiếm hoi như vậy !?
Thế là , biết bao nhiêu khốn khó đã đến với tôi suốt trong những năm tháng còn kẹt lại Việt Nam .
Tôi cứ mãi tự hỏi :
- Tại sao mình đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để "trốn chạy" sớm hơn , phải chăng đó là sự an bài của định mệnh !?- Biến cố tháng 4 năm 1975 đã làm thay đổi vận mệnh của một đất nước và luôn cả đời mình , đó là không còn thấy được tự do . Bởi vì , kể từ những ngày sau đó , tôi luôn bị kiểm soát bởi một "cai tù" .
Bây giờ , có những lúc vui ( để dấu cái buồn!? ), tôi thường nói đùa :
- Cái cậu đạp xích lô năm đó , nó đã hại đời anh !
Vợ tôi ,người cai tù khắc nghiệt nhất , lườm mắt liếc nhìn tôi rồi trả lời gọn lỏn , có một tiếng :
- Xí!
Người gốc Nẫu
No comments:
Post a Comment