Friday, June 3, 2011

Đinh Tấn Khương : TÂM SỰ MỘT CÔ GÁI BẤT HẠNH .


Lời giới thiệu : Qn xin giới thiệu tới bạn đọc bài viết của Anh Đinh Tấn Khương , Anh là cựu học sinh Cường Để- Qui nhơn . Hiện đang sống và làm việc ở Sydney, Australia . Cám ơn Anh đã góp tay với QN11 .




Lúc còn bé , nếu có ai hỏi tôi sợ gì nhất , thì chắc chắn câu trả lời sẽ là   “ ông y tá già ở cuối làng là người tôi sợ nhất ." 

 Tôi còn nhớ những tháng ngày ấy, tôi hay phát bệnh mỗi lúc trở trời . Mẹ tôi thường rước ông y tá già về nhà trị bệnh . Tôi không hiểu tại làm sao mà bệnh gì thì ông cũng chích .

Quả thật tôi không sợ ông , mà tôi lại sợ cái ống chích ở đầu có gắn một cây kim thật nhọn . Ông thường cầm đưa cao ngang tầm mắt rồi dùng ngón tay trỏ búng búng mấy cái trước khi chích , như thể hăm dọa tôi . .....

Lần nào cũng vậy, thấy ông đến là tôi vừa khóc vừa chạy trốn . Nhưng mẹ tôi đã nhanh tay kéo giữ tôi lại với ông . Tiếng nói của ông rất ấm và với những cử chỉ thật dịu dàng , nhưng mấy điều ấy không đủ sức thuyết phục những đứa trẻ như tôi . Vì tôi biết, trong cái xách tay mà ông mang theo chắc chắn sẽ có cái ống chích bằng thủy tinh và mấy cây kim được đựng trong cái hộp bằng thiết có nắp đậy .
Mẹ tôi , cũng như những người sống trong cái làng quê đó , thường ca tụng  ông là một người rất tốt . Nghe kể, có những người trở bệnh đột ngột hay mắc phải những chứng bệnh kinh niên mà không chạy kịp tiền , ông đều cho họ nợ. 
Ông không giàu có nhưng  đủ ăn . Nghe kể, bà vợ của ông đã chết vì bị làm băng sau ngày sanh đứa con trai út . Các con của ông đều thành đạt và đi làm xa, thỉnh thoảng mới về làng thăm bố.
Cuộc sống của ông có vẻ lành mạnh và an nhàn.Cái ngày được tin ông mất vì một tai nạn , tôi không biết có bao nhiêu con nợ đã đem tiền trả lại cho ông . Nhưng tôi còn nhớ rằng , hầu hết những người cùng làng đều đến dự đám tang , trong đó có mẹ và tôi. Tôi thấy ai cũng khóc.
Tôi không biết người ta khóc là vì tiếc thương ông hay là khóc để trừ đi cái món nợ mà họ chưa kịp trả .
Riêng tôi, tôi cũng đã khóc.
Tôi khóc không phải vì tôi còn sợ cái ống chích có gắn cây kim nhọn , như ngày trước kia nữa . Lúc ấy tôi cũng không còn ngây thơ như một đứa bé ngày nào , vì tôi cũng vừa tròn 16. Cái tuổi chưa trưởng thành nhưng vẫn nhận ra rằng , mất ông thì những người trong làng sẽ gặp nhiều khó khăn, mỗi lần trở bệnh.
Tôi cũng lo sợ cho chính bản thân tôi, tôi tự hỏi:
-  Liệu không có ông thì làm sao tôi khỏi bệnh?
Có lẽ vì thế mà tôi đã khóc, khóc thật nhiều, suốt lộ trình đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Cái chết của ông đã đánh dấu những tháng ngày bất hạnh cho những người trong làng .
Nhưng cái bất hạnh ấy chưa thấm gì với những nỗi bất hạnh triền miên , cứ nối tiếp xảy đến cho chính bản thân tôi, trong những tháng ngày sau đó.

Khởi đầu là cái hôm mẹ tôi bị ngã từ một cây vú sữa sau nhà , lúc đang trèo hái những trái chín để mang ra bán  ở chợ làng . Mẹ bảo té không nặng lắm, chỉ bất tỉnh một chút và hơi đau ở đầu mà thôi . Như để trấn an tôi, bà nói:
-  Chắc là mẹ không sao đâu con ạ!
Rồi tặc lưỡi, lẩm nhẩm một mình:
-  Giá mà ông y tá già còn sống thì mẹ sẽ nhờ ông qua, coi giúp.

Ngày ấy tôi còn ngây thơ quá nên chẳng biết làm gì cho mẹ, đến khi mấy người hàng xóm hay tin, vào thăm . Họ đã hối thúc là phải đem mẹ tôi lên bệnh viện Tỉnh cho kịp điều trị vì nghi ngờ là bị chấn thương sọ não, trầm trọng . Tôi thì chẳng biết chấn thương sọ não là bệnh gì , chỉ biết làm theo lời họ mà thôi .
Chị tôi thì lấy chồng về làng khác, chưa hay biết gì nên mọi thứ đều do tôi quyết định.
Xe chở mẹ con tôi đến một bệnh viện Tỉnh , cách ngôi làng tôi ở độ chừng hai giờ lái xe. Người tài xế dìu mẹ tôi vào phòng hồi sinh cấp cứu, tôi thì lẻo đẻo theo sau . Có nhiều bệnh nhân nằm , ngồi dọc cái hành lang chạy dài đến phòng cấp cứu . Tiếng rên rỉ của những ngưởi bệnh , tiếng khóc than của thân nhân, xen lẫn những tiếng lầm bầm trách móc hoặc chửi rủa của một ai đó , khiến cho tôi càng thêm sợ hãi .

Người tài xế tìm được một chỗ trống, bảo mẹ tôi ngồi tạm xuống đó và dẫn tôi đến gặp một cô y tá nơi phòng tiếp nhận bệnh nhân . Cô thoáng nhìn chúng tôi rồi làm như đang bận rộn với công việc.
Tôi kiên nhẫn đứng chờ cho đến khi cô hỏi:
  -  Ai gởi bệnh nhân đến đây?
Tôi không hiểu rõ câu hỏi nhưng lễ phép trả lời: 

-         Thưa cô, mẹ cháu bị ngã nặng cháu tự thuê xe để đưa đến đây nhờ cứu giúp  .
Cô nói lớn, như muốn cho ai khác cùng nghe:
  - Bệnh nhân nhiều quá rồi, chưa biết có đủ nhu cầu để tiếp nhận thêm nữa hay không .
Rồi cô tiếp tục công việc của mình, làm như không muốn biết gì đến cái bệnh của mẹ tôi và sự hoang mang tột cùng của một đứa trẻ, trong hoàn cảnh ấy.
Tôi thoáng nghĩ, có lẽ cô quá bận rộn trong công tác cứu người, nên không còn thì giờ để quan tâm đến mẹ con tôi nữa !
Tôi chưa biết là phải nói gì thêm để cô giúp mình , cứ đứng đó như đợi chờ một ân huệ được ban phát . ..

Đột ngột , cô rời khỏi chiếc ghế đang ngồi và bước nhanh tới chào một người đàn ông vừa mới bước vô . Đoán chừng người đàn ông nầy là một nguời khá giả , nhìn qua cách ăn mặc và lối nói chuyện của ông ta.

Thái độ của cô y tá trông rất lễ phép và thân thiện, chừng như họ là người nhà với nhau.
- “Dạ thưa ông, cháu vừa qua phòng thăm Bà , trông Bà đã khỏe nhiều  . Cháu có dặn kỹ mấy em trực ban, chăm sóc đặc biệt cho Bà rồi ”. Giọng cô thật nhỏ nhẹ .. 

Không thấy người đàn ông nói gì và dường như ông cũng chẳng thèm nhìn vào mặt cô , dù rằng lúc ấy cô đang nở một nụ cười thật tươi.

Có lẽ là vì ông đang bận lo lắng cho bà nhà !

Tôi thấy, cô loay hoay nhét vội cái gì đó vào túi , chừng như là cái bao thư . Rồi cô cúi đầu thật thấp, nói khẻ:
- Dạ xin cám ơn ông. 

Ông bước nhanh đến bắt tay người đàn ông mặc chiếc áo choàng màu trắng . Người mà sau này tôi mới biết đó là vị bác sĩ giỏi nhất khoa ngoại thần kinh, và cũng là người đã giải phẩu mẹ tôi.
Hai người đã nói chuyện gì đó thật lâu trong văn phòng bác sĩ trực , gần đó.
Khi tôi quay trở lại với mẹ , nghe bà than lạnh và nhức đầu nhiều hơn . Tôi chỉ biết ôm chặt lấy bà và bắt đầu khóc . Tôi khóc vì sợ bệnh tình của mẹ tôi trở nặng và cũng khóc bỡi vì sự bất lực của mình , không biết làm gì để giúp mẹ, lúc bấy giờ .
 Vừa thấy vị bác sĩ khép nhẹ cánh cửa phòng lại, sau cái bắt tay thật kính cẩn tiễn chào người đàn ông nọ . Nghĩ đến sự đau đớn của mẹ, như đã cho tôi sức mạnh . Tôi chạy nhanh đến và đẩy nhẹ cửa phòng , bước vào . Ông bác sĩ ngước nhìn tôi với cái vẻ mặt không giống như đã có  chừng mấy phút trước đây . Giọng ông hơi gắt:
- Ai cho phép cô vào đây, có chuyện gì cần thì hỏi cô y tá trực bên ngoài.
Giọng nói và cái nhìn của ông , quả thật đã khiến cho tôi lo sợ . Tôi đã bật khóc và run giọng, như van xin:
- Thưa Bác Sĩ, mẹ cháu vừa ngã nặng và bị chấn thương não, bà than là đau nhiều ở đầu , nhờ bác sĩ giúp đỡ cứu cho mẹ cháu . Cháu chỉ còn có một mình mẹ là người thân , cháu nguyện ghi nhớ công ơn của bác sĩ , suốt đời ...

Một lần nữa, ông ngước đầu nhìn tôi như muốn tìm hiểu một điều gì . Tôi hy vọng là ông đang muốn tìm hiểu về hoàn cảnh và bệnh tình của mẹ tôi , để giúp đỡ . Nhưng tia hy vọng ấy đã bị dập tắt, ngay sau cái câu nói ngắn ngủi của ông :

- Tôi có nhiều bệnh nhân cần phải cứu gấp, cô ra ngoài làm thủ tục đầu tiên rồi chờ .
Tôi lui dần ra cửa mà không dám quay lưng vì cần giữ lễ phép.
Hai mắt tôi dường như đẫm lệ nhưng vẫn còn đọc rõ cái hàng chữ in khổ lớn viết bằng màu mực đỏ tươi , được treo ngay bên trên bức tường đằng sau chỗ ngồi của ông bác sĩ:

- SỐNG VÀ HỌC TẬP THEO GƯƠNG BÁC HỒ VĨ ĐẠI

Và bên dưới lại còn có thêm một hàng chữ màu xanh : 

- LƯƠNG Y NHƯ TỪ MẪU

Tôi khép nhẹ cánh cửa và loạng choạng tiến gần lại mẹ . Hai mắt bà nhắm nghiền và lẩm bẩm gì đó , không nghe rõ . Tôi có linh cảm là tính mệnh của mẹ tôi sắp bị đe dọa , tôi khóc lớn hơn trong nỗi hoảng sợ tột cùng .
Có lẽ tiếng khóc của tôi đã tạo sự chú ý đến một người đàn bà vừa từ bên ngoài bước vào.
Bà bước nhanh đến chỗ mẹ con tôi, ngồi xuống và vỗ về đôi bờ vai nhỏ bé của tôi . Bà nói như muốn chia sẻ :
- Cháu đùng khóc nữa , nói cho cô biết bệnh của mẹ cháu như thế nào . Liệu cô có thể giúp đỡ được gì cho cháu ?
Tôi nín khóc nhưng đôi mắt vẫn còn đẫm nước , ngước lên nhìn người đàn bà xa lạ ấy . Tôi chưa biết bà là ai , nhưng tâm trạng của tôi lúc ấy tựa như bắt gặp một chiếc phao trong khi mình bị cuốn đi trong biển nước . Tôi không biết là bà sẽ giúp được gì nhưng tôi bắt đầu kể hết hoàn cảnh của mẹ con tôi cho bà nghe .
Vỗ về đôi bờ vai nhỏ bé của tôi lần nữa, bà trấn an:
  -   Cô sẽ có cách giúp được cho cháu , đừng lo nữa . Nhưng cháu phải biết nghe lời cô nhé !
Tôi không hiểu ý bà muốn nói gì , chưa kịp hỏi thì bà đã bước nhanh đến gặp cô y tá trực và nói gì đó mà tôi không nghe rõ được . Trông họ như không phải là người xa lạ , có vẻ họ đã biết nhau từ lâu .
Rồi người đàn bà ấy tiến lại và đẩy cánh cửa phòng bác sĩ trực , bước vào bên trong . Không lâu sau bà trở lại chỗ mẹ con tôi rồi bảo tôi đến gặp cô y tá để làm thủ tục nhập viện . Vừa nói xong thì bà đã bỏ đi mất dạng .
 Quả thật tôi quá ngạc nhiên cho sự cố vừa mới xảy ra . Tôi chưa rõ thực hư ra sao , tưởng chừng như bà nói đùa với tôi . Còn đang bỡ ngỡ và tôi không dám tin vào những gì tai tôi nghe được , thì cô y tá đã đến gặp tôi với một thái độ cởi mở lạ lùng .
Bệnh trạng của mẹ tôi lúc ấy có vẻ trầm trọng hơn nhiều khiến tôi không có thì giờ để thắc mắc một điều gì khác nữa . Chỉ biết làm theo sự hướng dẫn của cô , tôi dìu mẹ tôi vào nằm trên cái giường bệnh đặt bên trong phòng hồi sức cấp cứu.
 Không lâu sau, vị bác sĩ lúc nãy tiến đến giường bệnh của mẹ tôi . Ông bắt đầu khám cho mẹ tôi rồi quay sang cô y tá , đang đứng gần đó . Ông nói như muốn để cho tôi nghe được :

-   Chuẩn bị thủ tục giải phẩu, người bệnh sắp đi vào hôn mê rất nguy kịch đến tính mệnh . Chuyển thẳng lên phòng mổ sau khi cho làm scan não và xét nghiệm máu , nhớ báo cho tôi biết khi có kết quả đầy đủ .

Vừa lúc đó người đàn bà khi nãy cũng quay trở lại , đến gặp cô y tá và ông bác sĩ lần nữa . Họ trao đổi với nhau một lúc thì mẹ tôi được lệnh chuyển phòng .
Người đàn bà xa lạ ấy đến gần tôi , rất thân mật bà nói nhỏ:
- Cháu hãy yên tâm, mẹ cháu đang nhận được giúp đỡ của một bác sĩ giỏi nhất ở đây . Chắc chắn là sức khỏe của bà sẽ được phục hồi , nhưng cần phải có thời gian và đầy đủ thuốc men sau khi giải phẩu . Phí tổn không phải ít nhưng cô đã hứa là sẽ có cách để giúp cháu đó mà .
Rõ ràng bà ta là một vị cứu tinh , giống như một bà tiên trong câu truyện cổ tích mà tôi đã có lần đọc được  , lúc còn bé .
Tôi cúi đầu, lí nhí:

    -   Cháu xin mang ơn sự giúp đỡ của cô , không biết cho đến bao giờ cháu mới trả hết được cái ơn nầy .
 Bà nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Cô không phải là ân nhân của cháu đâu . Cô chỉ muốn tìm cách để giúp cho mẹ cháu mà thôi . Ân nhân của cháu là một người rất tốt bụng , cô sẽ đưa cháu đến gặp sau . Cháu nhớ đừng làm ông ta buồn lòng , nhé !
 Tôi chưa kịp hiểu những lời bà vừa mới nói thì bà đã giục :

- Mẹ cháu sẽ được chuyển lên phòng mổ sớm, cháu cứ yên tâm. Mình về nhà nghĩ ngơi một lát rồi cô sẽ dẫn đến gặp vị ân nhân đó . Ông ta đang chờ cháu ở đấy.

Lúc bấy giờ tôi như một người bị thôi miên, theo chân người đàn bà ấy mà không một chút gì thắc mắc !
Bà đưa tôi về nhà sau khi cho tôi một bữa ăn chiều tại một cái quán cơm gần đó . Căn nhà không lớn nhưng có đủ tiện nghi . Bà đưa một bộ đồ lấy ra từ trong cái tủ gỗ , rồi giục:
- Cháu vào tắm cho mát, trời mùa hè hơi bức...

Tôi có cảm tưởng như mình vừa được lột xác trong cái bộ đồ màu hồng nhạt , ôm sát vào tấm thân đang phát triển của tôi  lúc bấy giờ . Tôi mở miệng hé nở một nụ cười , khi nhìn chính mình trong cái tấm gương nhỏ được đặt bên trên cái bồn rửa mặt.
Tôi chưa bao giờ thấy mình xinh đẹp như vậy . Một thoáng mông lung , bỗng dưng hai bên gò má của tôi hừng đỏ , tôi không biết tại sao.
Tôi thầm cám ơn người đàn bà tốt bụng , nghĩ rằng mình còn có nhiều phước duyên mới có thể gặp được một người như vậy . Chợt nhớ đến ông y tá già trong làng , tôi cảm thấy an tâm thật lạ lùng .
Nghỉ ngơi một lát , bà dẫn tôi băng ngang một con đường lớn có hai hàng cây xanh trồng dọc bên lề , với những căn nhà khang trang  bề thế  .
Như thấy tôi bị cuốn hút bỡi những thứ ấy , bà cho tôi biết :
- Đây là khu nhà đẹp nhất tại đây, chủ nhân của những căn hộ nầy là các đại gia , vài bác sĩ và những cán bộ địa phương .
Rồi bà chỉ tay vào ngôi nhà lầu có tường cao bao bọc và một cái cổng sắt kiên cố sơn màu xanh nhạt . Bà ghé tai tôi nói nhỏ :
- Nhà nầy là của ông bác sĩ hồi nãy đó. Mười mấy năm trước ông còn ở trong một khu nhà lao động mà bây giờ ông đã có được cái cơ ngơi như thế nầy , thì cháu đủ biết ông ta phải giỏi như thế nào rồi . Hãy tin tưởng vào tài năng của ông ta , mẹ cháu chắc chắn sẽ bình phục sớm , thôi mà !

Tôi không tin vào mắt của chính mình nữa , ở quê tôi làm gì có những ngôi biệt thự đồ sộ như thế! Tôi thoáng nghĩ, không biết tại sao lại còn có sự khác biệt như vậy !
Tôi còn nhớ mẹ tôi thường nhắc nhở , với một niềm tự hào :

- Ông ngoại con đã hy sinh và chết cho lý tưởng giải phóng giai cấp . Giai cấp địa chủ ở quê mình đã bị xóa bỏ sau ngày cách mạng thành công . Giai cấp tư sản bóc lột cũng bị như thế , ở các đô thị .

Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê hẻo lánh , nơi mà mẹ con tôi đã tưởng rằng mình đang sống trong một đất nước không còn giai cấp nữa , chúng tôi đã tận hưởng một không khí bình đẳng , trong hoàn cảnh còn nghèo .
Mẹ con tôi luôn trân trọng những chiếc huân chương treo trên bàn thờ mà ông ngoại tôi đã được tưởng thưởng , sau những trận đánh khốc liệt với kẻ thù .
- Đây là tất cả niềm tự hào của gia đình mình, con ạ!
Mẹ tôi luôn nhắc nhở điều ấy , vào mỗi ngày giỗ ngoại .
Mãi suy nghĩ mông lung, tôi không định hướng là mình đang đi đâu . Bỗng dưng tôi chợt nhận ra là , mình đang được dẫn vào một căn phòng thật đẹp của một khách sạn cực kỳ tráng lệ , dưới cặp mắt của một đứa bé nhà quê .
Đẩy nhẹ cánh cửa phòng , người đàn bà chờ tôi bước hẳn vào trong rồi nhẹ nhàng khép lại, cẩn thận . Trước mắt tôi là một người đàn ông mà tôi không đoán chính xác là bao nhiêu tuổi . Nhìn ông , chừng như không còn trẻ mà cũng không quá già . Ông ta đang ngồi trên một chiếc ghế bành đặt sát cái bàn tròn với ly rượu trên tay . Ông tỏ ra rất lịch sự , mời chúng tôi ngồi xuống hai chiếc ghế trống  bên cạnh . Ông rót thêm một ly rượu nữa đẩy nhẹ qua cho người đàn bà ấy rồi quay sang tôi , ông tỏ vẻ thật ân cần  :

- Em uống gì tôi lấy cho , em uống rượu được không ?

Tôi đang lo lắng tột cùng , đầu tôi cúi gầm và lắc nhẹ . Cổ họng tôi như khô rốc , không nói được gì thêm
- Hay là lấy nước ngọt cho em nhé .
Ông vừa nói vừa đứng dậy tiến đến cái tủ lạnh gần đó rồi lấy ra một chai nước ngọt mang lại đưa cho tôi , siết nhẹ vai tôi và nói :
- Em uống nước đi  , khí trời bức quá chắc em cần một ít nước cho mát .
Lúc ấy tôi đã có linh tính rằng , một điều gì đó không may sắp xảy đến cho mình . Tôi chưa kịp phản ứng thì người đàn bà đã nhìn thẳng vào mắt tôi , nói nhỏ nhưng như một chỉ thị:
- Đây là vị ân nhân lớn nhất , hiểu rõ hoàn cảnh của mẹ con cháu cũng như nể lời thuyết phục của cô nên đã nhận giúp đỡ . Tiền viện phí và những khoản chi cho bác sĩ và y tá đã giao đủ . Tiền thuốc men sau khi giải phẩu cùng vài phụ phí khác sẽ được ông giúp tiếp , nhưng điều đó tùy thuộc vào sự hợp tác của cháu .
Tinh thần tôi đang cực kỳ bấn loạn . Tôi chưa kịp nói gì thì bà tiếp , như muốn răn đe :
- Cháu nhớ rằng tính mệnh của mẹ cháu bây giờ tùy thuộc vào thái độ hợp tác của cháu đấy . Nếu không làm cho vị ân nhân vui lòng thì bắt buộc cô phải yêu cầu bác sĩ đình chỉ ca mổ ngay lập tức , cho đến khi nào cháu bằng lòng làm theo yêu cầu . Cũng nên nhớ rõ , thời gian cứu sống cho mẹ cháu không thể chậm trễ được, nhé !
Bà vụt đứng dậy rồi nói với người đàn ông bằng một giọng lễ phép:
- Nếu có gì làm ông không bằng lòng xin gọi số máy di động , tôi sẽ báo ngay cho bác sĩ để đình chỉ ca mổ . Xin chào ông tôi đi .
Ông đứng dậy tiễn bước người đàn bà ra khỏi cửa . Hai người nói nhỏ một lúc , rồi ông bấm cái khóa cẩn thận trước khi quay vào .
Tôi thẩn thờ đứng yên tại chỗ , hai mắt tôi dường như đẫm lệ . Tôi đang nghĩ đến mẹ tôi , tôi biết rằng tính mệnh của bà được quyết định bỡi người đàn ông này . Nước mắt cứ trào ra mặc dù tôi không muốn khóc !
 Tôi tự nhủ, thân xác mà tôi đang có , nó đã được hình thành trong bụng mẹ và được nuôi dưỡng từ ngay lúc đó , cũng như sau khi chào đời , bỡi những khó nhọc của một người mẹ neo đơn .
Ba tôi đã chết trong một tai nạn giao thông , lúc mà tôi vẫn còn ở trong cái bọc lẫn đầy nước ối.
Cái thân xác nầy là thuộc về của mẹ . Tôi nghĩ , nếu có phải mất đi một phần nào trong đó để đánh đổi mạng sống cho mẹ thì tôi cũng phải đành lòng , như vậy .

Tôi không còn nhớ là chuyện gì đã xảy ra , dường như tôi đã ngất liệm một hồi lâu . Sau đó mới nhận ra là , nước mắt của tôi đã làm ướt đẫm cả hai mặt gối .
Tôi cứ nằm yên mà khóc cho đến khi nghe tiếng gõ cửa của ai đó , nói vọng vào bảo tôi phải ra khỏi , để trả phòng.
Tôi mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần , uể oải vơ vội đống quần áo nằm vương vãi trên mặt giường , bên cạnh là một cái bao thư trong đó chứa đựng một số tiền . Nước mắt lại tiếp tục chảy dài nhưng cổ họng tôi dường như nghẹn tắc . Tôi muốn gào lớn , muốn nguyền rủa và ném cái bao thư đó thẳng vào mặt của người đàn ông ấy , người vừa mới cướp đi đời con gái của mình . Nhưng ông không còn trong cái phòng nầy nữa , ông đã bỏ đi từ lúc nào mà tôi không hề hay biết .
 Nhớ đến mẹ tôi, nhớ đến những gì mà người đàn bà kia đã nhắc về khoản chi phí hậu phẩu và thuốc men trong những ngày kế tiếp , khiến tôi đã đánh mất sự hận thù và không dám vứt bỏ cái bao tiền lúc ấy .
 Tôi bước ra khỏi phòng, cũng với một tâm trạng hoang mang như lúc bước vào . Tôi rón rén bước đi , mặt cúi gầm như sợ ai đó phát hiện cho rằng mình là một đúa con gái hư đốn , ngần tuổi nầy mà đã bước chân vào khách sạn với một người đàn ông xa lạ.

Tôi lần theo con đường cũ trở về bệnh viện . Nóng lòng biết tin về sức khỏe của mẹ , tôi bước nhanh đôi chân cho dù nó đã muốn rã rời . Chợt nghe tiếng đóng của cánh cửa sắt gần bên . Tôi ngước nhìn lên, một cô gái chừng trạc tuổi với tôi đang nô đùa với một con chó lông xù màu trắng tuyết bên trong sân nhà của ông bác sĩ , người đang cứu sống mẹ tôi.
 Bỗng dưng lòng căm thù của tôi lại nổi sóng. Tôi chợt nghĩ:
- Bọn tư sản đã bóc lột sức lao động của công nhân để làm giàu cho bản thân họ , nhưng bọn chúng đã bị xóa bỏ từ lâu lắm rồi . Thế thì chủ nhân của những tòa nhà nầy , họ đã làm gì mà có thể tích lũy được cái tài sản to lớn đến thế , trong một thời gian không lâu .
 Rồi với cái trí óc non nớt của tôi lúc ấy, tôi đã nghĩ rằng ông bác sĩ nào có bóc lột sức lao động của mình đâu , chỉ là do mình tự nguyện dâng nạp , đó thôi !
Mẹ tôi đã tỉnh lại nhưng một nửa thân người không còn cử động bình thường như trước kia nữa . Tôi được cho biết là mẹ tôi đã nhập viện quá trễ nên bị hoại não một phần , vì thế không thể phục hồi chức năng toàn diện lại được .

Tôi lại khóc và mẹ tôi cũng khóc.

Tôi thì khóc vì sức khỏe của mẹ tôi không được hồi phục trọn vẹn , thế mà tôi cũng đã phải trả một cái giá quá đắc . Mẹ tôi không hồi phục trọn vẹn đâu phải chỉ vì sự chậm trễ của tôi . Cái nguyên nhân chính là do tôi đã không làm “thủ tục đầu tiên” kịp lúc , đó thôi.
Khốn nạn quá!

Mẹ tôi đã khóc là vì biết rằng từ nay bà không thể làm được công việc đồng áng , và chăm sóc cái khu vườn quanh nhà  như xưa kia nữa . Bà vĩnh viễn sẽ là một gánh nặng cho đứa con gái non trẻ  của mình .
Và cũng chính vì thế , mà những ngày kế tiếp đã là một quãng dài đen tối cho suốt cả thời tuổi trẻ của tôi .
 Sau mấy tháng đưa mẹ về nhà tịnh dưỡng, sức khỏe của bà không được khá hơn mà lại còn có chiều hướng tệ hại do tinh thần bị suy sụp nghiêm trọng . Tôi không biết làm sao cho mẹ tôi được vui . Bà cố dấu nét ưu tư trên khuôn mặt hốc hác vì thiếu ăn và mất ngủ trong suốt tháng ngày qua  .. ..

Đinh tấn Khương .

5 comments:

  1. Chi QN, em doc 1 leo` het luon, buo^`n cho co be' wa'...hic hic.

    ReplyDelete
  2. Chào Quinhon 11
    Lang thang trên diễn đàn “Người Việt 5 Châu”, mấy bài viết của Quinhon đã gây nhiều chú ý nơi tôi. Bởi vì những bài viết đó khá hay và có nhiều ý tưởng khiến gợi nhớ quê nhà xứ nẫu.
    Qua diễn đàn, tôi nhận được lời mời viếng thăm trang nhà “Quinhon trong tôi”.
    Không một chút suy nghĩ, tôi mạnh dạn bước vào... để rồi tôi phải phân vân không ít, sau đó. Bởi lẽ, nhìn quanh toàn là các Sis mà chẳng thấy bóng dáng của một phái nam nào cả. Hơi ngường ngường, và tôi đã tự hỏi: có phải là mình đang lạc đường đấy chăng?
    Thú thật, thuở còn thơ tôi rất “nhát”..gái. Gặp các cô thì không bao giờ tôi dám nhìn, chỉ dám len lén liếc liếc mà thôi.
    Biết tính tôi như vậy cho nên vừa đậu xong tú tài 2 thì Mẹ tôi đã buộc tôi phải thi vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Quinhon.
    Bà không dám cho tôi đi học xa vì sợ “mất” thằng con trai duy nhất của bà. Bà không chịu cho tôi vào Sài Gòn học vì nhiều người cho rằng con gái miền Nam dễ dãi quá, không chịu khổ chịu khó như con gái miền Trung. Nếu con trai vào Nam mà mê con gái trong đó thì sẽ “khốn” cả đời (!!!???).
    Nghe thế, tôi thử xin Mẹ tôi cho phép được ra học ở Huế. Bà cũng không bằng lòng, bà nhắc mấy câu ca dao:
    - “Con trai Bình Định ra thi
    Thấy cô gái Huế chân đi không đành...”
    Thế nhưng, tôi và hai thằng bạn nối khố đã tranh đấu..rất gay gắt để cuối cùng được theo học tại Sài Gòn. Ba đứa tôi cứ ôn mãi bài học:
    - “Ra đi Mẹ đã dặn lòng
    Vui chơi thì được.. vợ chồng chớ nên”
    Học thì học như vậy nhưng cả hai thằng bạn nối khố của tôi đều lấy vợ miền Nam. Một thằng bị bệnh chết lúc tuổi còn trẻ nên chưa thấy khó thấy khổ. Một thằng thì bây giờ thì rất “phát” chứ có “khốn”gì đâu, như dân nẫu của mình đã kháo nhau.
    Số của tôi không khá, tính “nhát” gái mà cứ gặp hoàn cảnh mãi éo le. Những năm theo học chuyên khoa (sau 1975) tổ học của tôi gồm có 7 người mà 6 người đều là nữ. Mấy đứa bạn học bảo với tôi rằng: “Gươm lạc giữa rừng hoa” là may mắn đấy.
    May mắn gì đâu không thấy nhưng bây giờ nhớ lại cũng còn thấy mệt. Tổ trưởng là một cô đang phấn đấu vào Đoàn. Tôi được bầu là tổ phó.. không phải cũng vì đang phấn đấu vào Đoàn nhưng vì tôi là thằng con trai duy nhất trong tổ. Họ cần tôi giúp sức để đi nhận “khẩu phần lương thực”, chia gạo chia bo bo, chia thịt.v.v.. chỉ có vậy thôi!
    Có lẽ tôi là thằng nhát gái nên không dám quen ai(!). Cho đến khi Mẹ tôi hối thúc thì tôi mới dám cưới vợ. Vợ tôi cũng là dân nẫu. Hết Mẹ tôi thì đến phiên vợ tôi, luôn nhắc tôi là không được đến nơi nào có nhiều phụ nữ!!!
    Chính vì như thế mà bây giờ bước lỡ vào vườn nhà của QN, không thấy bóng dáng đàn ông nên khiến tôi hơi sờ sợ.
    Tuy nhiên, cảnh vườn của QN đã thu hút: Nào rau, nào quả, nào hoa, nào là nước mắm tương chao và có cả những món ăn ..khiến tôi đã chạnh lòng nhớ đến quê nhà ..mà quên đi nôi sợ!?
    Vả lại boss của tôi nhận diện trong ảnh dường như có cả người quen ?(Thạch & Phúc) cho nên tôi cũng bớt sơ đôi phần.
    Lới cuối xin được góp ý, vườn nhà trồng thiếu củ mì và bữa ăn thì không thấy bánh tráng là chưa phải là xứ nẫu đấy nha!
    Vớ vẩn đôi dòng góp vui. Mong đừng trách
    Cám ơn QN đã Post bài viết.
    Tôi đã có một số bài viết khác. Chỉ sợ làm xấu vườn nhà của QN nên không dám gởi. Và cũng nên dành đất cho các bạn khác nữa chứ.
    Chúc các Bạn những ngày vui
    Đồng Hương Xứ Nẫu
    ĐTK

    ReplyDelete
  3. Chào Anh DTK . QN rất vui , khi được Anh ghé thăm khu vườn mộc mạc , dân dã này , lại được Anh góp một tay tô điểm .. Rất cảm ơn anh , QN hẹn gặp anh lần tới .Thân mến ./
    Quinhơn11

    ReplyDelete
  4. Bài viết hay quá! Tội nghiệp cho cô bé !

    ReplyDelete
  5. Cám ơn Bác BTA đã ghé thăm trang nhà .
    Chúc bác an khang ... kính mến ./

    Quinhơn11

    ReplyDelete