Monday, October 14, 2024

Một thoáng văn hóa Phú Yên

 Trần Nguyên Thắng

Núi Chóp chài - Phú Yên

Một ngày mùa Hè nắng nóng tôi đến Tuy Hòa, thủ phủ của tỉnh Phú Yên, mà nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã vẽ ra bằng ngôn ngữ âm nhạc trước năm 1975 “Ôi bước buồn theo với không gian buồn. Nhìn quanh trơ đứng bao đồng nương” (Chiều Qua Tuy Hòa).

Nhưng thời gian của lời nhạc đã vụt trôi qua cả nửa thế kỷ rồi, nên có lẽ “không gian buồn” của Tuy Hòa 50 năm trước và không gian Tuy Hòa bây giờ cũng đã nhiều thay đổi. Ruộng nương vẫn còn đó nhưng một vài khách sạn lớn đã được xây dựng bên bãi biển Tuy Hòa, cạnh đó là một quảng trường lớn, nơi có cả một hệ thống “múa nhạc nước” để làm sống động thành phố về đêm.

Trên đường từ sân bay đi gần vào đến thành phố Tuy Hòa, ngoài những ruộng nương hai bên đường và các dãy núi cao phía chân trời, đứng từ xa lữ khách nhìn thấy hai ngọn núi nhỏ nhô cao lên hẳn không gian thành phố.

Ngọn núi thấp như một ngọn đồi nằm giữa lòng thành phố, và xa hơn một chút có thêm ngọn núi cao khác nằm giữa khu vực đồng bằng, ngọn núi này có dáng hình nón lá tạo cho nơi đây một không gian đẹp lạ lẫm cho người lữ khách lần đầu đến Tuy Hòa.

Tháp Nhạn là toà tháp duy nhất còn tương đối nguyên vẹn trên vùng đất Phú Yên.

“Anh còn nợ em/ Chim về núi Nhạn/ Trời mờ mưa đêm/ Trời mờ mưa đêm/ Anh còn nợ em…” Đó là lời bài hát “Anh Còn Nợ Em” nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng (phổ thơ của nhà thơ Phạm Thành Tài) vào những năm 2007.

Chính câu thơ “chim về núi Nhạn” trong câu thơ lời nhạc “Anh Còn Nợ Em” đã tạo sự tò mò cho nhiều người lữ khách, trong số đó có tôi. Chim còn có núi Nhạn để về, còn tình của hai kẻ yêu nhau không có nơi chốn hẹn về nên chàng/nàng đành phải nợ nhau một cuộc tình đã lỡ. Và từ đó “Anh còn nợ em! Và còn nợ em.”

Ngọn núi cao đứng sừng sững bên hướng Bắc Tuy Hòa, núi chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 4 km. Tôi cho rằng núi có hình dáng tựa như chiếc nón lá được đặt úp lên giữa khu vực đồng bằng phía Bắc, nhưng không phải như vậy! Tên của núi là núi Chóp Chài vì hình dáng của nó giống tựa như chiếc lưới chài được ngư dân quăng lên mặt biển lúc bắt cá. Nghề quăng lưới đánh cá trên biển đã cho người dân Tuy Hòa một cái nhìn về hình dáng “chóp chài” của tấm lưới khi được tung lên rơi chụp xuống mặt biển.

Núi Chóp Chài và núi Nhạn trở thành một biểu tượng cho Tuy Hòa.
Rời thành phố Tuy Hòa, du khách đi xa thêm về hướng Bắc chừng một giờ xe, sẽ có dịp ghé thăm hai điểm rất nổi tiếng của Phú Yên mà du khách không thể nào bỏ qua được, là nhà thờ Mằng Lăng và thắng cảnh thiên nhiên Gành Đá Đĩa.

Nhà thờ Mằng Lăng, 

Ngọn núi thấp giữa thành phố chỉ cao chừng hơn 50 mét, trên đỉnh núi có một tòa tháp Champa cổ. Một giả thuyết cho rằng nơi đây ngày trước có từng đàn chim nhạn đàn tụ về đây vào ngày mùa của chúng (nhưng ngày nay có lẽ chim nhạn cũng đã ít bay về). Dân gian Tuy Hòa gọi núi thấp là núi Nhạn, tháp Champa cổ là tháp Nhạn tạo ra câu thành ngữ “chim về núi Nhạn,” là nơi chim có chỗ về và núi là nơi chốn nương tựa của chim.

Mằng Lăng là tên của một loại hoa mọc chùm, có màu tím hồng tại khu vực nhà thờ xưa kia, có lẽ vì thế mà nhà thờ mang tên của hoa, nhà thờ Mằng Lăng. Đây là một trong những ngôi nhà thờ cổ của Việt Nam được một vị linh mục người Pháp xây vào năm 1892 để tưởng niệm Anrê Phú Yên, một vị thánh tử đạo đầu tiên vào năm 1644 tại Quảng Nam. Thuở trẻ, ông được Linh Mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) rửa tội khi gia nhập họ đạo. Ông đã được Tòa Thánh Vatican phong Chân Phước Á Thánh.

Linh Mục Đắc Lộ là người có công trong việc viết ra sách chữ quốc ngữ Việt Nam đầu tiên, ông đã viết ra sách giáo lý “Phép Giảng Tám Ngày,” được dùng giảng dạy cho giáo dân Đàng Trong vào thời điểm lúc bấy giờ (năm 1651).

Nhưng theo tài liệu, Linh Mục Đắc Lộ không phải là người đã sáng tạo ra chữ quốc ngữ. Đó là công lao của các tu sĩ thuộc giáo sĩ Dòng Tên Jesus Portugal (Bồ Đào Nha), những người đã đến Đàng Trong trong các thập niên trước đó. Tu sĩ Francisco de Pina là một vị tu sĩ biết khá nhiều về tiếng Việt và ông đã dạy lại cho các tu sĩ đi sau.

Hai giáo sĩ Bồ Đào Nha khác là Linh Mục Gaspar d’Amaral và Linh Mục Antonio Barbosa đã biết ghi âm ngôn ngữ tiếng Việt và sáng tạo ra cách dùng chữ La Tinh để diễn tả âm ngữ tiếng Việt. Chữ quốc ngữ Việt Nam sơ khai ra đời từ thuở đó.

Linh Mục Đắc Lộ cũng như Linh Mục Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Behaine) sau này chỉ là những người Pháp đã có công làm ra những quyển tự điển quốc ngữ Việt Nam giúp cho các thế hệ đi sau cải thiện chữ quốc ngữ càng lúc càng phong phú hơn. Hơn 300 năm trước, người Đại Việt lúc đó vẫn còn dùng tiếng Hán tiếng Nôm để diễn tả ngôn ngữ của Đại Việt.

Cuốn sách “Phép Giảng Tám Ngày” của Linh Mục Đắc Lộ được nhà thờ Mằng Lăng gìn giữ cho đến ngày nay. Sách đã hơn 350 năm tuổi, nét chữ đã có nhiều mờ nhạt phôi phai theo thời gian nhưng cũng đủ làm rung động tâm tư người lữ khách nhớ về một khoảng thời gian cội nguồn văn hóa của mình. Một di tích văn hóa rất quan trọng trong chữ quốc ngữ Việt Nam.

Nhưng Phú Yên không chỉ có nhà thờ Mằng Lăng mà còn có Gành Đá Đĩa một thắng cảnh thiên nhiên cũng rất đáng thưởng ngoạn, còn bãi biển cát trắng Tuy Hòa xanh biếc thẳng tắp cho những ai thích bình yên thơ mộng.

Trần Nguyên Thắng 
 https://saigonnhonews.com/doi-song/di-dong-den-tay/mot-thoang-van-hoa-phu-yen/

_________________________

Sunday, October 13, 2024

Chuối xào dừa

 Tạ Phong Tần


Trong những bài viết trước, tôi đã từng liệt kê cho quý độc giả biết cách đặt tên gọi món ăn rất là… trớt quớt của người miền Nam, nghĩa là tên món ăn chẳng liên quan, dính dáng gì tới vật liệu làm ra món ăn, hình dáng món ăn lẫn cách làm ra món ăn, nhưng ai cũng mặc nhiên công nhận những tên đó chớ không phản ứng gì. Đó là bánh dứa, bánh còng, bánh cam, bánh cấp, bánh ít, bánh bò, bánh tiêu, bánh phục linh, v.v… 

Lâu nay, hễ nghe tới chữ “xào” thì bất cứ ai cũng nghĩ ngay tới hình ảnh cái chảo bự đặt trên bếp lửa cháy bừng bừng, trong chảo có một ít dầu ăn (hoặc mỡ), người đầu bếp cho vô chảo rau củ hoặc thịt đã xắt nhỏ, dùng cái tiểu liểu cán dài xốc qua xốc lại cho dầu (mỡ) thấm đều và sức nóng của chảo làm chín món ăn nhanh chóng mà không cần có chút nước nào trong chảo. Ðó là xào theo kiểu người Việt. Chúng ta còn thấy các đầu bếp người Hoa xào rau xanh nhanh chớp nhoáng trong những cái chảo rất lớn, trong chảo còn có lửa cháy ào ào nữa.

Tuy nhiên, làm chuối xào dừa thì không hề có cái chảo bự, không có động tác dùng tiểu liểu “xào”, không có chút dầu mỡ nào, ngược lại còn sử dụng rất là nhiều nước để nấu ra món ăn độc đáo đậm chất miền Tây Nam bộ này.

Lúc nhỏ, lâu lâu cha mẹ tôi cho được 50 xu, tôi thấp thỏm chờ đến trưa mới thấy bà Bảy đi khập khễnh ngang nhà, vừa đi vừa rao lớn: “Ai chuối xào dừa hông?” Bà Bảy cắp cái thau nhôm có đậy tấm nilon trắng đựng chuối bên hông. Một tay xách cái xô nhựa lớn, trong xô lớn có cái xô nhôm nhỏ đựng nước cốt dừa, một mớ dĩa sành nhỏ, hơn chục cái muỗng nhỏ xíu, hũ muối mè rang vàng. Con nít trong xóm nghe tiếng rao của bà Bảy là mừng húm lên, tíu tít chạy ra kêu “Chuối! Chuối!” lia lịa. Ðứa nào có 50 xu thì bà Bảy gắp cho chừng 5-6 miếng chuối mỏng lét vô dĩa, múc một ít nước cốt dừa trong thau rưới lên chuối, rắc một ít muối mè lên rồi đưa cho lũ trẻ chúng tôi. Tôi đón lấy dĩa chuối, dùng cái muỗng múc ăn từ từ từng miếng chuối vàng ươm, chuối vừa ngọt vừa dẻo, nước cốt dừa béo ngậy, thêm vị mằn mặn, ngọt ngọt, thơm lừng của muối mè. Ta nói nó ngon làm sao đâu. Ăn hết chuối, húp hết nước cốt dừa, liếm sạch dĩa luôn mà vẫn thèm thuồng.

Sau này, công việc bận rộn túi bụi, bẵng đi một thời gian dài tôi cũng quên mất món quà vặt tôi đã từng đam mê thời thơ ấu. Có lẽ chỉ miền Tây Nam bộ mới có chuối xào dừa, tôi lên Sài Gòn sinh sống nhiều năm, rồi ngược xuôi Nam- Bắc “ăn quán ngủ đình” cũng bộn, nhưng tôi không thấy ai bán món chuối xào dừa như ở quê tôi. Coi như chuối xào dừa là “đặc sản” của dân miền Tây vậy.

Muốn làm chuối xào dừa trước hết phải có chuối, có dừa, có đường, muối, mè, một chén bột khoai, một chén bột báng, một chén bột gạo và một cái nồi bự. Chọn chuối xiêm đen loại già trái, trái nào trái nấy nở căng tròn như con heo con nhưng vỏ chuối còn xanh, lựa chuối trái lớn vừa phải, đừng lấy trái bự quá cũng không ngon. như vậy chuối mới dẻo và độ ngọt lợ vừa phải. Thông thường, giống chuối xiêm thuần chủng bản xứ trái không lớn lắm, nhưng dẻo và ngọt vô cùng.  Nếu dùng chuối xanh còn non sẽ bị chát, không dẻo, không ngon. Tách chuối riêng ra từng trái, để nguyên vỏ, ngâm chuối vài tiếng đồng hồ trong nước muối pha loãng rồi rửa chuối thật sạch. Xếp chuối vô nồi, cho một ít muối vô, đổ nước lạnh vô ngập hơn mặt chuối khoảng năm phân là được. Bắc nồi chuối lên bếp, vặn lửa to để luộc chuối, giữ cho nước sôi sùng sục khoảng 30 phút thì chuối chín. Tùy theo chuối lớn hay nhỏ mà thời gian luộc lâu hay mau, luộc đến khi thấy vỏ chuối nứt ra là được. Ðổ chuối ra rổ xả rửa dưới vòi nước lạnh, lột bỏ vỏ chuối, rửa sạch râu ria, bợn vỏ bám xung quanh trái chuối rồi cho chuối qua rổ để ráo nước.

Nếu dùng dừa khô nguyên trái thì phải nạo dừa vắt lấy nước cốt dừa. Có thể mua nước cốt dừa đóng lon hoặc mua gói nước cốt dừa khô về pha nước vô cũng được. Cứ hai nải chuối thì ba lon nước cốt dừa hoặc ba gói nước cốt dừa khô. Dùng cái nồi trộng trộng đổ nước vô khoảng nửa nồi rồi bắc lên bếp, chờ nước sôi đổ bột khoai vô luộc thấy bột khoai trong thì vớt lên thả vô thau nước lạnh, xả dưới vòi nước lạnh để bột khoai không bị dính cục, sau đó luộc bột báng cũng làm giống như luộc bột khoai. Xong đổ cả bột khoai, bột báng ra rổ cho ráo nước. Bột gạo pha nước lạnh thật lỏng quấy cho đều để sẵn.
Cho nước cốt dừa vô nồi, bắc lên bếp nấu nước cốt dừa sôi lên thì cho một chén đường cát, một muỗng cà phê muối vô nồi khuấy đều. Thấy đường tan hết thì đổ bột khoai và bột báng khi nãy vô nồi khuấy đều. Chờ nước cốt dừa sôi lên, bột khoai và bột báng đều chín trong vắt thì chế bột gạo pha loãng vô nồi từ từ, vừa chế vừa quấy cho đều. Nước cốt dừa trong nồi sẽ đặc sền sệt như nước cơm sôi, chờ nước cốt dừa sôi lần nữa để bột gạo trong nước cốt dừa thiệt chín là xong. Nhắc nồi ra khỏi bếp để riêng.

Dùng dao nhỏ mỏng xắt chuối luộc đã lột vỏ theo chiều dài, miếng dày chừng 3mm, xếp vòng quanh cái thau như cánh bông hướng dương, sao cho chuối đầy lên chừng nửa thau, chính giữa thau có khoảng trống tròn cỡ cái tô. Múc nước cốt dừa đã thắng đổ vô khoảng trống giữa thau và rưới lên chuối cho chuối thấm đều nước cốt, nước cốt dừa trong thau ngập xâm xấp mặt chuối. Thắng nước cốt dừa sau khi đổ vô thau chuối phải còn dư một phần ở ngoài, vì khi ăn sẽ cần nhiều nước cốt mới ngon.
Mè trắng rang vàng, cho vô cối giã sơ cho mè bay mùi thơm rồi đổ mè ra hũ, trộn thêm một ít đường cát trắng, một ít muối rang vô mè là chúng ta có hũ muối mè thơm phức ngon lành rồi.

Khi ăn chúng ta dùng đũa gắp từng miếng chuối lên dĩa, múc nước cốt dừa trong thau rưới lên, rắc ít muối mè lên nữa thì ta có dĩa chuối xào dừa dẻo ngọt, béo ngậy, thơm phức tuyệt vời. Rất dễ làm phải không quý vị? Thấy nước cốt dừa trong thau chuối lưng xuống thì đổ thêm phần nước cốt dừa dư dôi bên ngoài vô thau.

Chuối xiêm đen đặc biệt chỉ có ở Việt Nam, người Việt dùng chuối xiêm đen làm nhưn bánh dừa, bánh tét, làm bánh chuối hấp, ra bánh ngon mà màu sắc hấp dẫn vô cùng.

 Tuần rồi tôi đi chợ thấy chợ nào cũng có bán rất nhiều chuối xiêm còn xanh (người miền Bắc gọi là chuối sứ) nhập từ Thái Lan. Ðây là chuối xiêm trắng nên khi chuối chín đem luộc ruột chuối không chuyển sang màu đỏ vôi, đỏ tím và độ ngọt, độ dẻo đều thua sút chuối xiêm đen. Không có xiêm đen thì ăn tạm xiêm trắng vậy, mua luôn hai nải chuối xanh, trái nhỏ nhưng tròn, xòe ra như bàn tay con nít, nhưng sờ vô chuối còn cứng chắc. Ðem về luộc hết hai nải làm một thau chuối xào dừa bự chà bá, ăn cũng ngon dù không được dẻo như xiêm đen. 

Hơn hai chục năm rồi tôi mới tự mình làm chuối xào dừa ăn cho đã thèm, cảm giác háo hức khi bưng tô chuối xào dừa (lần này là tô chớ không phải dĩa nhỏ xíu như lúc nhỏ), múc từng muỗng chuối dẻo sần sật, từng muỗng nước cốt dừa có lẫn bột báng, bột khoai deo dẻo ăn từ từ, tôi vẫn thấy chuối xào dừa ngon như ngày còn thơ ấu.

TPT(Little Sài Gòn, Ca)

__________________

Saturday, October 12, 2024

VỀ VỚI HƯ VÔ - RETURN TO VOID

 Hạ Anh

Hạ Anh
Bài thơ này
đã dịch lời Việt từ bài thơ tiếng Anh: RETURN TO VOID
của anh Trần Việt Long .
Anh đã tagged cho tôi và một số anh chị bạn hữu khác trên FB.
Mời các bạn cùng vào đọc và chia sẻ ! Chúc tất cả một ngày cuối tuần thật êm đềm và hạnh phúc

VỀ VỚI HƯ VÔ
Về với hư vô, hành trình ảm đạm,
Theo thời gian, ngày rồi cũng lặng im .
Những chiếc lá rơi, trời đổ mưa mềm,
Mang tâm sự thì thầm cùng với gió.
Góc sân chùa, ngồi lặng im bóng nhỏ,
Nhìn lá mong manh phủ ngập xuống đời.
Cuộc vô thường…xuôi ngược mãi không thôi,
Đi và đến một vòng tròn vô tận.
Ôi ! Chiếc lá rơi có từng ân hận ?
Tình yêu dở dang, nỗi nhớ còn đầy !
Từ những phương trời cất bước về đây,
Nghe vang vọng lời tiền thân vẫy gọi.
     Sinh tử cuồng quay điệu buồn mệt mỏi,
     Vầng trăng khuya lạnh lẽo dõi phương nào?
     Quét sạch lá sầu, mộng mị trăng sao,
     Đời bỗng chốc hoá phù du … cánh mỏng
Hạ Anh.Oct.06.24
(https://www.facebook.com/profile.php?id=100084043192555)
——————————
RETURN TO VOID
By Trần V Long
Return to void, a journey bleak and cold,
A cycle of life, its story left untold.
The leaves descend like tears that stain the sky,
Their whispers carried on the winds that sigh.
In temple’s courtyard, I, with mindful care,
Sweep autumn’s remnants, fragile in the air.
The void calls softly with a beckoning hand,
Drawing me back to where all things began.
Oh leaves, what secrets in your fall reside,
Of love once known, and sorrow yet denied?
In nothingness, I tread through time’s decay,
Listening for echoes lost in yesterday.
The dance of birth and death, a mournful tune,
Unfolds beneath the cold and distant moon,
And as I sweep, I feel their silent grace,
A fleeting life, dissolved without a trace.
TVL / San Jose, September 27, 2024

_______________

Cuộc chiến đậu nành

Thiên An

Đậu hủ, nước tương, bột dinh dưỡng và các món chay… đều là sản phẩm quen thuộc với người Việt làm từ đậu nành. Ở ngoại quốc, đậu nành phần lớn dùng trong công nghiệp, sản xuất dầu ăn, sữa đậu nành – dạng như sữa tươi – và thức ăn gia súc trong chăn nuôi công nghiệp bò, heo, gà, cá… Ở Mỹ, đậu nành là một lãnh địa kinh tế khổng lồ, thu nhập từ ngành công nghiệp đậu nành khoảng 124 tỉ đô la, cần đến hơn nửa triệu nhân công…

Vị trí kinh tế
Hoa Kỳ là nước sản xuất đậu nành thuộc hàng đầu thế giới, chiếm 29% sản lượng đậu nành toàn cầu.  Trong đó Trung Quốc đặt mua 50%, được xem là khách hàng lớn nhất của Mỹ.
Ở Mỹ, chỉ có một số tiểu bang vùng Trung Tây là thích hợp nhất cho việc trồng đậu nành,  nhiều nhất Illinois, Iowa, Minnesota và Indiana. Mùa gieo trồng bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6 và thu hoạch vào tháng 9. Diện tích canh tác khoảng 90 triệu mẫu. Ngoài xuất cảng, số đậu còn lại, khoảng 97% người Mỹ dùng để ép dầu và làm  thức ăn cho gia súc.

Thời vàng son
Năm 2000, đậu nành ở Mỹ cất cánh. Dầu ăn từ đậu nành  xuất cảng đạt khoảng 9 tỉ đô la và lần đầu Mỹ bán sang Trung Quốc lượng đậu nành trị giá 1 tỉ đô la. Con số này tăng đều đều, năm 2021, vọt lên 26.4 tỉ đô la.
Trung Quốc không chỉ mua đậu nành ở Mỹ mà tất cả quốc gia trên thế giới, nhiều nhất là Brazil. Khoảng 60% lượng đậu nành trên thế giới được Trung Quốc tiêu thụ. Kể từ 2018 số lượng nhập cảng đậu nành từ Mỹ tăng đến 61% khiến nông dân Mỹ khoái tít. Nhưng niềm vui qua mau khi TT Mỹ Donal Trump áp đặt chính sách thuế quan hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc với mức 200 tỉ đô la với chính sách “Nước Mỹ trên hết” (America First). Ông Trump cho rằng Trung Quốc đang lấy việc làm của dân Mỹ bằng xuất cảng hàng hóa rẻ tiền, giết chết hàng triệu công xưởng,  chưa kể thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rộng lớn.

Tranh chấp
Trung Quốc phản pháo bằng cách đánh thuế và ngưng nhập cảng một số mặt hàng của Mỹ, trong đó có đậu nành. Cú phản công này có hiệu quả ngay lập tức, xuất cảng đậu nành sang Trung Quốc rớt thảm hại, chỉ còn 3.1 tỉ đô la, đậu tồn kho lủ khủ và giá rớt thê lương. Cú đánh này còn thêm cú bồi hiểm hóc là những chủ trang trại phần lớn ủng hộ đảng Cộng hòa, hay cụ thể là TT Trump choáng váng.  Nhưng chính phủ Mỹ lập tức đỡ đòn bằng chính sách hỗ trợ nông dân, mua lại sản phẩm thặng dư và bù lại thu nhập bằng “lợi tức” từ tiền đánh thuế hàng Trung Quốc.

TQ chuyển hướng
Bỏ Mỹ, Trung Quốc xoay sang mua đậu  của Brazil, nhu cầu tăng vọt khiến  diện tích trồng đậu ở quốc gia này tăng tốc một cách điên cuồng. 

Thực ra, từ hơn 40 năm nay, Brazil luôn dẫn đầu thế giới về sản lượng đậu nành, nhiều hơn Mỹ vài trăm triệu tấn/năm. Nhờ thủy nhưỡng thích hợp, nhân công rẻ và đất đai mênh mông. Đi xa hơn, Trung Quốc dùng thương vụ “đậu nành” để chèo kéo Brazil ngả về phía mình. Đồng thời “cắm dùi” một lãnh thổ Trung Quốc trên đất Nam Mỹ bằng cách mua 200,000 mẫu đất và đưa khoảng 200,000 dân Trung Quốc sang định cư và canh tác.

Tương lai đậu nành
Nông dân Mỹ cùng lúc đối phó với Trung Quốc và 2 đối thủ cạnh tranh là Brazil và Argentina, có lợi thế nhân công rẻ, thị trường thay thế Trung Quốc mà Mỹ nhắm tới là Ấn Độ, đông đúc dân số và có nhu cầu cao. Tuy nhiên, Ấn Độ là một đồng minh chàng hảng, Ấn sẵn sàng bỏ bên này chộp bên kia miễn có giá hời.

Meagan Kaiser chủ một đại nông trại đậu nành, thuộc đời thứ 5 trong nghề cho biết, nông nghiệp vốn là một nghề bấp bênh, khi phụ thuộc vào tính thất thường của thời tiết và khách hàng tiêu thụ. Cách an toàn hơn là tiêu thụ đậu nành nội địa. Với gần cả tỉ pound đậu nành tồn kho, Mỹ chuyển hóa thành nhựa sinh học (bioplastic) sản xuất vải vóc, giày vớ, thậm chí vỏ xe hơi. Bên cạnh đó, tinh lọc thành dầu sinh học (biofuel), dầu sinh học tương tự dầu diesel sản xuất từ  dầu mỏ. Dầu bio-diesel sẽ làm giảm bớt khai thác từ dầu mỏ, và có lợi cho môi trường.

Khoảng 40% dầu đậu nành đã chuyển thành bio-diesel. Từ năm 2007 Mỹ đã có chính sách giảm lệ thuộc vào dầu mỏ thì nay dầu biodiesel từ đậu nành chiếm phân nửa các loại dầu sinh học để pha với dầu mỏ trong thị trường xăng dầu. 

Ngoài ra, một đặc tính đáng giá khác của đậu nành được dùng như một dung môi sinh học (biosolvent) để “tẩy” sạch môi trường biển, hồ, sông, nhất là khi bị rò rỉ dầu.

Tại sao phải mua?
Khi được hỏi tại sao Trung Quốc không thể tự sản xuất đậu nành mà phải chạy mua khắp thế giới. Ông Ke Bingsheng, hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Trung Quốc (CAU), cho rằng đất canh tác của Trung Quốc phần lớn đã chuyển sang công nghiệp và nhà ở, còn lại là ưu tiên cho lúa, bắp và các loại cây lương thực khác. Chưa kể, sản lượng đậu nành ở Trung Quốc rất thấp, tính ra mỗi ký đậu nành sản xuất nội địa đắt hơn so với nhập cảng. Quan trọng hơn cả là Trung Quốc không có những loại giống đậu nành biến đổi gen, cho sản lượng và phẩm chất cao và chống được sâu bệnh.

Một vấn nạn khác là Trung Quốc thiếu nước trầm trọng, tuy đắp đập khắp nơi nhưng nước dùng vẫn thiếu hụt, chưa nói đến nước làm nông nghiệp. Lý do đập nước tích lũy trên nguồn, ở bình địa khô héo, dân chúng khoan giếng ngầm vét sạch nguồn nước dự trữ gây nên khô hạn. Do chạy theo lợi nhuận và thiếu việc kiểm tra chất thải, hiện nay tổng tỷ lệ đất bị ô nhiễm kim loại nặng  Trung Quốc trên 10% và không thể canh tác.

Kết luận
Trung Quốc đã tận tụy khai thác các giao dịch thương mại, đặc biệt là nhập cảng để dùng làm áp lực các quốc gia khác. Năm 2020, khi Úc yêu cầu quốc tế điều tra gốc tích Covid-19. Trung Quốc xỉa xói trả đũa bằng cách như cấm nhập thịt bò, rượu vang và than đá của quốc gia này khiến công nhân Úc điêu đứng.
Mỹ khá rủng rỉnh tài chính, nên khi bị phản pháo, chính phủ Mỹ bù lỗ cho nông dân hay thương chủ, nhờ vậy vừa làm dân chúng yên lòng và tránh được chiêu thức gây chia rẽ nội bộ.

Dầu cho Trung Quốc có bày lắm chiêu trò, nông dân Mỹ vẫn ung dung cày bừa và không hề lay chuyển tình yêu của họ với đất nước.

TA

_____________________________

Thursday, October 10, 2024

Chết cùng nhau: Vì sao cặp vợ chồng hạnh phúc lại quyết định ngừng sống?

 

    29 tháng 6 2024 Ông Jan và bà Els đã kết hôn được gần năm thập niên. Đầu tháng 6/2024, họ qua đời cùng nhau sau khi được hai bác sĩ cho dùng thuốc độc. Ở Hà Lan, đây được gọi là an tử kép.Trường hợp này hợp pháp và hiếm gặp - nhưng mỗi năm trôi qua, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng Hà Lan chọn kết thúc cuộc đời mình theo cách này.

    Lưu ý: Nội dung bài viết có thể gây khó chịu cho một số độc giả.

Wednesday, October 9, 2024

NGƯỜI CÓ IQ CAO, NGƯỜI CÓ EQ CAO VÀ NGƯỜI CÒ TÀI NĂNG THIÊN PHÚ: AI DỄ THÀNH CÔNG TRONG CUỘC SỐNG HƠN?

ĐINH TẤN KHƯƠNG


 -  IQ (Intelligent Quotient): chỉ số thông minh
 -  EQ (Emotional Quotient): chỉ số cảm xúc

1- Người có IQ cao được đánh giá là người thông minh (intelligent person), là những người có năng khiếu cao trong một hay vài lãnh vực khoa học ứng dụng chẳng hạn như các môn toán, lý, hóa v.v…hay là trong lãnh vực khoa học xã hội nhân văn. Họ là những người có trí nhớ tốt, có khả năng học tập vượt trội, và biết áp dụng kiến thức vào các công việc chuyên môn rất hiệu quả.

Tuesday, October 8, 2024

Mắm ruốc

 Đỗ Duy Ngọc

Tui vốn gốc dân mắm ruốc. Đi bốn bể năm châu rồi cũng thèm chén ruốc. Giờ bắt đầu tuổi già, nhiều khi chỉ cần miếng ruốc với vài trái ớt cay là đủ xong một bữa. Tui dù không được là đại gia, vẫn dư sức vào những nhà hàng sang chảnh nhưng không khoái, chỉ thèm chén ruốc.