Sunday, July 14, 2024

NHỮNG ĐÊM DÀI KHÔNG ĐIỆN Ở … MỸ

 Hao Duc Nguyen



Vẫn còn khoảng 500 ngàn người mất điện sau khi nàng Beryl ghé thăm ngắn ngủi Houston. Tiếng ca than vang khắp tầng mây vì nóng. Cái nóng Houston vừa oi vừa nồng, vừa khó thở vừa … chảy mỡ. Thành ra, ngày nào mà điện chưa về thì tình trạng càng ra tồi tệ.
Tôi nhớ đến ông thầy dạy giáo lý ngày xưa trong làng, giờ sống bên Chicago, cứ hễ nghe tụi tôi rền cái phòng dạy học nóng như nung, ông lại nói câu y chang:
- Tập nóng cho quen đi, sau này xuống ,,, hỏa ngục cho khỏi bỡ ngỡ.
Không biết hỏa ngục nóng bao nhiêu độ, chứ Houston nóng thật. Mồ hôi cứ gọi là chảy như suối. Dầu mỡ cứ phải gọi mướt trên da. Nhầy nhụa, nhơ nhớp, bóng lưỡng …
Vì có nhiều anh chị cứ phân bì sao khu này thế này, mà khu kia thế nọ, tôi viết bài này, để giải thích phần nào lý do điện xuất hiện không đồng đều như thế.
Hệ thống điện, nước, hay bất cứ dịch vụ công ích nào cũng vậy, họ set up trên hệ thống hết. Sau 1 cơn bão, trên màn hình sẽ nổi lên các nút tùy theo tình hình từ bình thường đến tệ: Đỏ, cam, xanh và … đen thui. Nếu thấy xanh thì không sao. Đen thì sập đường dây rồi. Đỏ và cam thì mức báo động, buộc phải tắt nguồn để tránh chạm dây điện. Bão qua rồi tính tiếp.
Giờ đến bước là bão tan, những khu vực nào có màu đen thui, đỏ, cam sẽ được lưu ý. Ưu tiên các mục tiêu sau:
- Các văn phòng chính phủ, kho bạc, kho lưu trữ, văn khố: Điều này là dĩ nhiên. Các công sở chính phủ phải có điện 24/7, ngay trong thời kỳ chiến tranh cũng vậy. Họ có đường dây riêng và máy dự phòng để các cơ quan liên lạc cùng nhau mà giải quyết vấn đề. Trong chiến tranh, máy bay ném bom thấy khu nào có điện là khắc biết là cơ quan đầu não chính phủ, theo luật chiến tranh không được ném bom vào. Trừ khi bom bay …. Lạc hướng hay nhầm mục tiêu.
Trong chiến tranh thế giới thứ 2, bom rơi vào điện Buckingham là 1 ví dụ. Lúc ấy, vua George 6, bố nữ hoàng Elizabeth 2, sợ quá định qua Ireland trốn. Nhưng bà vợi, nữ hoàng Elizabeth nói không. Thế là họ di chuyển qua cung điện Windsor tránh tạm.
Pháp thì dời các cơ quan chính phủ ra khỏi Paris để tránh Đức quốc xã ném bom sau khi thấy London bị bom bay lạc hướng.
Khi Mỹ ném bom miền Bắc, 1 bộ phận chính rời Hà Nội ra Tam Đảo tránh bom. Số còn lại thì vẫn ở lại. Điện các tòa lãnh sự, văn phòng, nhà tù Hỏa Lò, nhà thờ chính tòa … được bảo đảm để phi công không đánh nhầm vào. Nhà thờ nào không có điện thì … kéo chuông để hy vọng phi công nghe mà tránh. Dĩ nhiên, Mỹ không dại gì đánh bom Hỏa Lò bởi phi công Mỹ bị nhốt ở đó. Các lãnh sự thì phi công có tọa độ riêng được thông báo trước nên họ sẽ không thả bom.
Chỉ duy nhất 1 lần trong thế chiến 2, phía Mỹ xin Đức Giáo Hoàng Pio 12 cho phép ném bom vào tu viện Carlo Cassino, 1 dòng tu Penedicto được xây vào thế kỷ thứ 6, vì nghi có các ổ súng cao xạ của Đức trốn bên trong (đừng lộn Monte Carlo thuộc Monaco). Báo Life còn nói sau khi ném còn thấy lính Đức bốc cháy chạy ra. Nhưng sau điều tra thì đó thông tin sai. Phía Mỹ phải xin lỗi toà thánh.
Sau các cơ quan chính phủ là nhà tù (vì sợ tù nhân nổi loạn hay bỏ trốn), bệnh viện (các trường hợp cấp cứu hay chạy máy móc vận hành), đồn cảnh sát …
Bây giờ, ta đi qua những nơi nào được ưu tiên mở điện trước:
- Những nơi nào bị nhẹ, sửa nhanh (màu cam) thì sẽ được ưu tiên sửa trước. Khu nào màu đỏ là do máy bị cháy nổ, cây giật đứt đường dây, cây ngã đổ … thì họ lên 1 danh sách bao nhiêu supply cần bổ sung rồi sẽ sửa sau.
- Ưu tiên tiếp theo là các công ty điện. Công ty điện nào lớn, có hợp đồng kéo dây nhiều với CenterPoint sẽ được ưu tiên trước. Chứ khi mất điện mà hãng đó bị cúp lâu, khách complaint nhiều thì sau số khách hàng sẽ bị giảm sút. Nên các hãng lớn luôn có những đòi buộc là điện do hãng họ cung cấp sẽ có điện trước. Hãng nào càng lớn thì càng có điện sớm.
- Tiếp đó là các cửa hàng lớn: Costco, Walmart… Lý do? Vì đó là nguồn cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm cho các nhu cầu của thành phố. Không có chúng, nạn đói có thể diễn ra, hay có bạo loạn do thiếu lương thực.
- Ưu tiên tiếp sẽ là các khu … nghèo. Điều này nghe có vẻ trái với nhận định của 1 anh nói cách đây 1 tuần rằng: Nên mua nhà mới thì đường dây sẽ bảo đảm hơn nhà cũ. Đúng, nhưng chưa đủ. Khu nào mà có thu nhập thấp nếu không có điện sẽ là nơi xuất phát các vụ cướp bóc, bạo loạn… Khi mà cái đói đe dọa người ta, thì không việc gì họ không dám làm. Ở đây, tôi không dám nói về màu da kẻo gây là những hiểu làm. Những khu Châu Á, Mỹ trắng, Ấn Độ, người Ả Rập… được xem là những nơi yên bình nhất. Nên họ có khi còn cúp điện lâu hơn mấy … xóm nhà lá. Và cảnh sát đi tuần những khu này sẽ an toàn hơn.
Những khu có … tiền họ sẽ có điều kiện để mua các vật dụng tạo ra điện, giúp cho các hãng bán được nhiều hàng. Order thức ăn đến nhà, giúp cho những ai đi làm có công việc để chạy… giúp cho guồng máy đời sống vẫn được vận hàng.
- Những khu ở nơi đồng không mông quạnh, dân cư thưa thớt. Hay những khu nào cây ngã đổ nhiều, ảnh hưởng đến máy phát điện chính của cả khu, thì sẽ được bao chót.
Còn rất nhiều các lý do để hãng Centerpoints nhắm đến khi họ quyết định sẽ ưu tiên sửa điện cho khu nào hay sẽ để đó và sửa sau. Dĩ nhiên, mấy điều tôi trình bày sẽ không có báo nào dám nói, hay không ai dám nói ra. Tôi có những thông tin mà người ngoài khó mà biết được. Nên viết sơ vậy để anh chị em có nóng ruột thì cũng chịu.
Đôi khi, có những quy định ngầm mà không phải chỉ vài người điều quân đi sửa điện mới quyết định được. Họ nhìn vào sơ đồ và thuộc nó như lòng bản tay, nên biết sẽ nên hay không nên khu nào. Cắt, điều chuyển, tính toán sao cho sự bất mãn không trở nên cao trào mà gây tổn hại cho công ty.
Cái chuyện khu nào có ông bự, rồi hàng xóm được lợi nói ở Mỹ không phải là không có…
Nhưng chuyện ấy tế nhị lắm. Không nên nói ra để làm gì. Còn có người nghĩ anh thợ sửa điện điều an hem quen sửa khu mình trước thì không có. Vì supervisor bên trên họ điều người chéo, xa khu mình ở. Nên không có chuyện lạm quyền như thế được.
Vẫn biết mất điện trong giai đoạn hiện nay là chuyện không ai muốn, nhưng bất khả kháng thì đành chịu vậy. Không thể nào một lực lượng gần 7000 ngàn nhân viên có thể đảm đương hết được cho gần 2 triệu con người ta có điện ngay tức thì. Cũng phải thông cảm cho họ.
Sống ở đâu, dù có nước nào hay giàu cỡ nào cũng vậy. Không phải cứ muốn là được đâu.
Mọi chuyện rồi sẽ qua thôi.
Đừng bỏ cuộc và đừng oán than. Sự bất mãn không giúp gì được, nó chỉ làm chúng ta thấy cuộc sống bản thân ra đen tối như mất điện mà thôi.

Hao Duc Nguyen


____________________________

No comments:

Post a Comment