Wednesday, May 28, 2014

Ly dị - đâu cần những điều to tát (kỳ 1)

 Giọt nước làm tràn ly
Ngọc Lan - Người Việt




WESTMINSTER, California (NV) - Tin ông Trịnh Hưng quyết định ly dị vợ không chỉ gây sửng sốt cho tất cả mọi người trong gia đình thân tộc, mà ngay chính cả người vợ sống cùng ông suốt 3 thập kỷ qua cũng không tránh khỏi bàng hoàng.


Lý do?
“Tại sao tôi cứ phải tiếp tục sống trong một cuộc hôn nhân mà tôi không còn tìm thấy hạnh phúc và niềm vui?” Điều mà ông Hưng suy nghĩ, cũng chính là điều trăn trở của bà Phan Khanh, ông Trương Vĩnh trước khi đưa họ đến quyết định dứt khoát ly thân hay ly dị.
Dĩ nhiên, đây cũng là câu trả lời của hầu hết các cuộc chia tay.

Thế nhưng, điều làm nên sự không hạnh phúc, không còn tìm thấy niềm vui ở những cặp đã đi qua một thời say đắm như ông Trịnh Hưng ở Los Angeles, bà Phan Khanh ở Anaheim hay ông Trương Vĩnh ở Huntington Beach, lại bắt nguồn từ những điều tưởng chừng vặt vãnh nhất, bất ngờ nhất và cả ngỡ ngàng nhất. 


Chiêm nghiệm câu chuyện của những cuộc hôn nhân đổ vỡ một cách tức tưởi này cũng như nghe cách đánh giá vấn đề từ góc độ của những chuyên viên tâm lý cũng là dịp để mỗi người soi lại chính mình, qua những điều giản dị nhất trong cuộc sống. 

Do tính chất tế nhị của đề tài nên tên của những người được phỏng vấn đều được thay đổi
*** 
“Gọi điện thoại cho người nhà sao không hỏi ý vợ trước?”
Lời trách cứ đó của vợ như giọt nước cuối cùng làm tràn cả ly nước mà suốt chục năm qua ông Hưng, cố giữ cho nó đừng đổ.
Rời xa gia đình từ lúc còn rất nhỏ, ông Hưng ví mình chẳng khác gì đứa trẻ bụi đời, mồ côi, thế nên khi lưu lạc nơi đất khách, gặp được người yêu thương và mang lại cho ông đầy đủ cảm giác ấm áp của một mái gia đình, ông Hưng đã không chỉ yêu thương vợ trong tình vợ chồng, mà với ông, vợ còn là người ông hàm ơn.
Trong nghĩa cử đó, ông Hưng đã sống một cách trọn vẹn, chu toàn đầy đủ bổn phận của một người chồng, người cha và người con rể hiếu đạo với gia đình vợ. Không chỉ vậy, ông luôn cố gắng nhường nhịn và chìu theo ý vợ mọi điều.
Thế nhưng, có một điều đau đáu trong ông, đó là, “Vợ chỉ biết tôi mà không hề muốn biết đến gia đình tôi.”
Ông kể trong xót xa, “Có những lần má tôi từ Việt Nam gọi sang tỏ ý muốn nói chuyện với con dâu, nhưng vợ tôi khoát tay ra hiệu cô không có ở đây. Tôi hỏi tại sao thì cô ấy bảo cô không biết nói chuyện gì. Một lời hỏi thăm má khỏe không, má ăn cơm chưa, hôm nay bên đó mưa nắng thế nào cũng là khó lắm sao?”
Không chỉ vậy, ngày Tết ông Hưng muốn gửi về cho má ông $50, $100 để bà có tiền lì xì cho cháu nội cháu ngoại nhưng vợ ông không đồng ý, bởi “đừng tạo nên một tiền lệ.”
“Cô ấy muốn tôi gọi về chúc Tết thôi và nói tụi tôi không có tiền gửi về. Tôi làm sao mở lời được khi mới rồi vừa khoe mua xe xịn, giờ nói không có đến $100 gửi về cho má nhân ngày Tết như thế.” Ông Hưng chua chát.
Bà con họ hàng của ông, hễ ai làm vợ ông phật ý là bà cấm tiệt mọi người trong gia đình không được liên lạc chuyện trò với người đó mà không cần giải thích lý do.
Dĩ nhiên như đã nói lúc đầu, ông Hưng không muốn làm điều gì trái ý vợ ông. Và vợ ông, từ lúc nào cũng tự cho mình quyền quyết định tất cả.
Tuy nhiên, giọt nước làm tràn ly nước khi ngày Tết vừa rồi ông Hưng “dám” gọi điện thoại chúc Tết một người chú mà vợ ông “không ưa.”
Đến khi nghe vợ trách “tại sao không hỏi ý kiến vợ trước khi gọi điện thoại cho chú” thì ông Hưng đã không thể kìm chế được, thế là một trận cãi vả xảy ra, khởi đầu cho một chuỗi trận cãi vả được tích lũy dồn nén từ bấy lâu bùng lên.
Sau những to tiếng qua lại, giam mình suốt mấy tiếng đồng hồ trong bóng tối của nhà xe, ông Hưng chợt nghĩ tại sao mình lại không sống độc thân khi không còn tìm thấy hạnh phúc trong đời sống vợ chồng, nhất là từ bao năm qua giữa vợ chồng ông đã không còn có những “quan hệ chăn gối” theo lẽ thường tình, và khi các con ông đều đã trưởng thành, không còn cần đến sự chăm sóc của ông nữa?
Nghĩ là vậy nhưng ông Hưng vẫn quay vào với ý muốn làm hòa với vợ.
“Tôi vừa ngồi xuống mép giường chưa kịp mở miệng nói với vợ một lời phải trái thì cổ đã ngồi bật dậy và trừng mắt nhìn tôi nói rằng cổ là như vậy chịu được thì chịu, không thì thôi. Tôi cảm thấy tê tái và chết điếng trong người. Cả một sự chán chường sụp đổ trong tôi.” Ông Hưng kể trong nỗi ê chề.
“Tôi ngồi im lặng thật lâu và cuối cùng tôi nói, ‘Em à, mình biết nhau đã hơn 30 năm, mình lấy nhau cũng 30 năm và có với nhau 2 mặt con. Trong suốt 30 năm đó, anh đã làm bổn phận của một người chồng, người cha, người con rể trong gia đình em một cách tốt nhất. Với chừng ấy điều anh đã làm mà vẫn còn làm cho em thất vọng thì anh xin lỗi’”
Nói xong câu đó, “thấy như mình đã chết hết cõi lòng”, ông Hưng đứng dậy bỏ đi, suy nghĩ nhiều hơn về hai chữ “ly hôn” khi những điều không như ý trong cuộc sống vợ chồng ông từ 30 năm qua như một cuốn phim từ từ diễn ra trước mắt.

Khi có thể, tại sao không sống cuộc đời cho chính mình?
Đó là tâm trạng của bà Phan Khanh, người lập gia đình vào năm 34 tuổi.
Bà Khanh tự đặt ra câu hỏi đó ngay khi vừa tìm được công việc làm ổn định sau 13 năm lập gia đình và sau 10 năm đến Mỹ.
Bà Khanh cho biết cưới nhau không lâu, bà đã lờ mờ nhìn thấy một cuộc hôn nhân không như ý.
“Có thể do đời sống thực tế quá khác với thời yêu nhau lãng mạn, trách nhiệm của một gia đình khác lắm với đời sống độc thân. Cũng có thể do tôi sống đời sống tự lập quen rồi nên khi bước vào đời sống gia đình tôi cảm thấy bị shock, làm gì nghĩ gì cũng phải thật thật trọng, kỹ càng.” Người phụ nữ này nhận xét.
Không chỉ vậy, bà Khanh còn nhận ra một điều “Tôi phải là người chịu trách nhiệm cho mọi chuyện, dù rằng điều đó đã được cả hai vợ chồng cùng bàn để thực hiện, nhưng nếu không thành thì anh lại đổ lỗi cho tôi.”
Nỗi chán ngán càng chồng chất khi bà Khanh nhìn lại, “Ngày chưa cưới đi đâu cũng có cặp có đôi. Khi sanh con rồi, anh mặc nhiên bảo tôi phải ở nhà trông con, anh đi một mình. Tôi cảm thấy sự mất tự do mỗi lúc một nhiều hơn!”
Tuy nhiên, chồng bà Khanh lại cho rằng “Đó là chuyện bình thường.”
Ba năm sau khi lập gia đình và sanh con, bà Khanh sang Mỹ định cư.
Dù không hợp nhau từ lúc còn ở Việt Nam nhưng “đời sống ở Mỹ khó khăn trong bước đầu” nên theo bà Khanh việc cố gắng cùng nhau xây dựng gia đình dễ hơn là tách ra.
“Tôi cũng cố gắng xây dựng một gia đình, cũng đi làm đi chợ nấu ăn, chăm sóc chồng con. Không có sự cãi vả, ít gây gỗ, mọi thứ cứ lướt qua, mình không để ý tới.” Bà Khanh nhớ lại.
Thế nhưng, khi đời sống dễ dàng hơn, tìm được một công việc khá ổn định cũng là lúc bà Khanh nhận ra “Đời sống mình không có bao lâu thì tại sao mình lại cứ phải chấp nhận một cuộc đời như thế này? tại sao mình không sống cuộc đời cho chính mình?”
Suy nghĩ đó thôi thúc bà mỗi lúc một nhiều hơn, đặc biệt khi đứa con gái cũng đồng ý ra đi cùng mẹ.
Sau gần nửa năm suy nghĩ, một ngày từ sở làm trở về, bà Khanh báo với chồng việc muốn ly thân. Không một lời to tiếng.
“Đàn ông Việt Nam cái tôi lớn lắm. Một khi người phụ nữ nói ra đi là họ sẽ để cho đi, không có sự níu kéo đâu.” Bà Khanh nói.

Vợ đòi ly dị khi bị chồng nhắc nhở không được xâm phạm sự riêng tư
Ông Trương Vĩnh, ngoài 60 tuổi ngập ngừng trước khi bắt đầu câu chuyện, “Tôi không phải là người quyết định ly hôn mà là bà xã tôi.”
Theo ông Vĩnh, lý do xuất phát từ chuyện, “Một lần cổ lén vào computer tôi rồi lôi ra những thư từ email đã có từ trước khi tôi quen với cổ, cổ in những email đó ra rồi để trên computer.”
“Điều đó khiến tôi bực mình và cấm cổ không được làm như vậy nữa nếu không tôi sẽ phải ly dị. Mỗi người có mỗi tính, tôi không thích sục xạo vào đời tư người khác. Ngược lại, tôi cũng không muốn người khác xâm phạm vào sự riêng tư của tôi, nhất là khi đó đã là chuyện của quá khứ, trước khi tôi quen và cưới cổ.” Ông Vĩnh nói một cách bực bội.
Ông Vĩnh cho biết ông và vợ ông “đều là những người đã trải qua một cuộc hôn nhân gãy đổ, rồi chắp nối với nhau.”
Trước lời nhắc nhở của chồng, người vợ này đã “nổi giận, ra văn phòng luật sư làm giấy tờ ly dị.”
Một cách từ tốn, ông Vĩnh kể, “Sang Mỹ thời gian đầu vợ chưa quen, tôi làm tất cả mọi việc, từ thay ra giường, đổ rác, giặt giũ, rửa chén, lau nhà. Trong những năm vợ đi học đại học, tôi vừa đi làm vừa canh giờ vợ về để mua những thức ăn mà cổ thích về nấu cho cổ ăn. Tôi làm như vậy trong suốt 5 năm cho tới khi cổ thi đỗ, ra trường.”
Ra trường, vợ ông ở nhà do không có việc làm. “Thế nhưng cổ không hề có suy nghĩ làm ngược lại, chăm sóc tôi như tôi đã chăm sóc cổ. Sống trong nhà 8, 9 năm mà chưa bao giờ cổ có sự quan tâm đến tôi. Tôi chưa bao giờ thấy cổ đi chợ mua một món đồ gì về cho tôi ăn hay nấu cho tôi ăn, cổ không hề biết tôi ăn gì, thích gì.”
Cũng theo lời ông Vĩnh thì vợ ông là một người khá bừa bãi và không chịu làm việc nhà.
Người chồng này không ngại khi kể về vợ, “Ở Mỹ này, sau giờ làm việc về nhà tôi cũng làm việc nhà, chén cũng rửa, restroom cũng chùi, nhà cửa cũng lau và mỗi tháng chỉ cần mướn người phụ dọn dẹp thêm một ngày thôi. Nhưng sau đó phải mướn người phụ mỗi tuần vì vợ không thể nào ngăn nắp được, chỉ dọn dẹp vài tiếng sau là đâu lại bừa bộn đó.”
“Tôi hỏi trong 9 năm cổ đi đổ rác được mấy lần, cổ nói chưa đến 5 lần. Tôi hỏi tiếp vậy những lần khác ai đổ rác cho cổ mỗi khi thùng rác cổ thúi lên, kiến bu đầy lại? Ngay cả chuyện nhỏ nhặt như đi toilet khi giựt nước phải đứng chờ coi có sạch chưa, nếu chưa thì phải giựt thêm lần nữa mà cổ cũng không làm được. Nói hoài, góp ý hoài mệt quá.” Ông Vĩnh than thở.
Cẩu thả, lười nhác việc nhà, nhưng “những gì liên quan đến cá nhân cổ thì cổ làm rất tươm tất, như khi ra đường thì cổ ăn mặc rất đẹp. Còn lại, cổ không biết cách tổ chức một gia đình.” Người chồng được cho là kỹ tính nhận xét.
Dù cho rằng “muốn việc gì ra việc đó, không thể từ việc như vậy rồi đi đến vấn đề ly dị” nhưng sau 4 tháng luôn bị vợ thúc hối ký đơn và mệt mỏi nhận ra những điều không thể thay đổi từ vợ, ông Vĩnh ký giấy ly hôn.

(Kỳ 2: Quan hệ chăn gối và ly hôn nhân dưới góc nhìn của nhà tâm lý học)

Ngọc Lan ( Liên lạc: Ngoclan@nguoi-viet.com)

______________________________________________________________________________

No comments:

Post a Comment