Wednesday, March 26, 2025

Chia ly chiều tuyết phủ

 Như Sao

microsoft ai – bảo huân
Một cuộc chia ly thật cảm động. “Nhân vật” chính là ông già và con chó thương yêu. Cả hai đã sống với nhau bao nhiêu năm nhưng giờ đây không được nữa rồi. Trong chiều tuyết phủ, người và chó buông nhau ra, bỗng nghe tiếng “Chúc Mừng Giáng Sinh Vui Vẻ”, lệ chực trào ra trên khóe mắt ta nhưng đồng thời lòng cảm thấy ấm áp bao nhiêu.

“Ta sẽ chẳng bao giờ quên chú mày được đâu”, ông già lẩm bẩm. Một giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo của ông. “Ôi, ta đã già rồi. Ta không thể nào lo cho chú mày được nữa.”

Con chó nghiêng đầu qua một bên, nhìn ông chủ của mình. “Gâu gâu! Gâu gâu!” Nó vẫy đuôi liên hồi, như thể muốn biết ông chủ đang định làm gì.

«Bây giờ, ta lo cho ta còn không nổi nữa là… Đừng nói gì đến phải lo cho chú mày.» Ông già vừa  húng hắng ho, vừa lấy một chiếc khăn tay ra xì mũi thật mạnh.

“Ta sắp vô nhà dưỡng lão rồi, không thể đem chú mày theo được. Ở đó người ta không cho nuôi chó và các con vật yêu đâu, chú mày biết đó.”

Ông già cúi tấm lưng còng xuống vuốt ve đầu con chó.

“Chú mày đừng có lo. Chúng ta sẽ tìm cho con một căn nhà thật đẹp.” Ngẫm nghĩ một lúc ông nói thêm, “Mà với vẻ bề ngoài đẹp trai của con, sẽ chẳng có gì khó khăn lắm đâu. Ai cũng thích có một con chó đẹp.”

Con chó đập đuôi thật mạnh. “Gâu, gâu, gâu, gâu.” Mùi quen thuộc của ông già trộn lẫn với mùi thức ăn thơm phức tạo cho con chó cảm giác ấm cúng. Nhưng sau đó một nỗi sợ hãi lại xuất hiện. Con chó cụp đuôi đứng lặng.

“Lại đây nào.” Ông già quỳ xuống trong khó nhọc và âu yếm kéo con chó lại gần. Đọan ông buộc một sợi dây màu đỏ thành một cái nơ lớn quanh cổ con chó. Rồi ông buộc một mảnh giấy vào sợi dây. Con chó đâm lo không biết trong mảnh giấy đó có gì.

“Trong giấy ghi là,” ông già đọc lớn, “Giáng Sinh Vui Vẻ! Tên tôi là Monsieur DuPree. Tôi khoái ăn sáng với thịt hun khói và trứng – cả pop corn nữa. Tôi khoái ăn chiều thịt với khoai tây nghiền. Chỉ vậy thôi. Tôi chỉ ăn hai bữa mỗi ngày. Đổi lại, tôi sẽ là người bạn trung thành nhất.”

“Gâu gâu! Gâu gâu!” Con chó bối rối và đôi mắt buồn bã của nó như muốn hỏi điều gì đang xảy ra vậy?

Ông già lại xì mũi vào khăn tay một lần nữa. Bám vào thành ghế, ông từ từ đứng dậy. Mặc áo khoác vào, ông với tay lấy sợi xích chó, nói nhẹ nhàng, “Lại đây nào, con ta.” Ông mở cửa bước ra ngoài, kéo theo con chó. Trời lạnh lẽo và gió rít trong cây. Bóng chiều chập choạng. Con chó kéo ghì lại, không muốn đi! thật mạnh. “Gâu, gâu, gâu, gâu.” Mùi quen thuộc của ông già trộn lẫn với mùi thức ăn thơm phức tạo cho con chó cảm giác ấm cúng. Nhưng sau đó một nỗi sợ hãi lại xuất hiện. Con chó cụp đuôi đứng lặng.

“Đừng làm ta khó xử mà. Ta hứa với con, sống với người khác con sẽ sung sướng hơn ở với ta.”

Đường phố vắng hoe. Tuyết bắt đầu rơi những bông nhỏ. Ông già và con chó cất bước đi trong gió rét mùa đông. Chẳng bao lâu, tuyết bắt đầu phủ lên lề đường, cây cối và những tòa nhà xung quanh.

Một lúc sau, ông già và con chó đến trước một tòa nhà lớn chung quanh có những hàng cây cao vật vã trong gió. Ông già dừng lại. Con chó cũng dừng lại. Cả hai run lên vì lạnh, bước tối gần tòa nhà. Ánh sáng lung linh chiếu ra từ những khung cửa sổ, vang vang trong chiều tiếng ca mừng Chúa Giáng Sinh.

«Đây sẽ là tòa nhà cho con đó nhé.» Ông già nói trong nghẹn ngào. Cúi xuống cởi xích ra khỏi cổ con chó, ông mở cửa rào thật nhẹ để nó không kêu. «Tới đi. Tới cào cánh cửa kia kìa.»

Con chó nhìn tòa nhà và nhìn lại ông chủ rồi lại nhìn tòa nhà. Nó chẳng hiểu gì cả. “Gâu gâu! Gâu gâu!”

“Tới đi.” Ông già đẩy con chó. “Ta không còn giúp gì cho con được nữa,” ông già gắt “Tới ngay đi!”

Con chó tỏ vẻ buồn bã. Nó nghĩ ông chủ nó không còn thương yêu nó nữa. Nó không thể hiểu nổi rằng, mặc dù ông già thương yêu nó hết mực, ông không thể lo cho nó được nữa. Từ từ, nó rụt rè bước tới, leo lên bậc thềm. Nó cào lên cánh cửa. “Gâu gâu! Gâu gâu!”

Ngoái lại, nó thấy ông chủ nó nấp sau một cái cây khi cánh cửa mở ra. Một cậu bé xuất hiện dưới ánh đèn hắt ra từ đằng sau. Khi thấy con chó, cậu bé giơ hai tay lên và la lớn “Trời ơi, Bố Mẹ ơi, xem ông già Noel đem lại cho con cái gì nè!”

Ông già nước mắt lưng tròng, nhìn cảnh đó từ phía sau cái cây. Ông thấy người mẹ đọc mảnh giấy rồi nhẹ nhàng âu yếm kéo con chó vào bên trong. Mỉm cười, ông dùng tay áo khoác đã lạnh cứng chùi nước mắt rồi biến vào đêm tối, bên tai chỉ thoảng nghe “Chúc Giáng Sinh Vui Vẻ, anh bạn thân yêu.”

NS (theo Christa Holder Ockerl)

___________________

Tuesday, March 25, 2025

Bánh cam mặn

Tạ Phong Tần

Thời tôi còn ở Sài Gòn, tôi phải bỏ thời gian ra lùng sục nhiều nơi, cuối cùng mới phát hiện ra những con đường có nhiều xe đẩy bán rong bánh cam, bánh còng là Phan Xích Long (tên cũ: Thái Lập Thành, quận Phú Nhuận), quanh nhà thờ Kỳ Ðồng (quận 3) và quận Gò Vấp.
Không hiểu tại sao người miền Tây không làm bánh cam mặn, dù giữa hai loại bánh mặn và ngọt đều làm phần da bánh giống nhau, chỉ khác nhau ở cái nhưn bên trong mà thôi. Sài Gòn lại có bán bánh cam mặn. Người bán thường bắc hai cái chảo để chiên riêng hai thứ bánh, như vậy bánh ngọt “chay mặn đều dùng được.” Người Sài Gòn gốc rặt Nam kỳ kêu là bánh cam, người Sài Gòn gốc Bắc kỳ gọi là bánh rán (Tôi dùng từ “người Sài Gòn gốc Bắc kỳ” cho người Bắc di cư 1954).
Người mua, người bán phân biệt bánh mặn và ngọt ở hình dạng bên ngoài. Bánh ngọt hình tròn hơi dẹp xuống như bánh xe hơi, có rắc mè (vừng) xung quanh hoặc không, có loại được phủ một lớp đường bên ngoài hoặc không. Bánh mặn được làm tròn vo như trái chanh hoặc hơi dài tí xíu như hình trụ có hai đầu tròn, kích cỡ tương tự như các chai nhựa màu vàng sậm đựng thuốc viên ở các pharmacy tại Mỹ thường đưa cho bệnh nhân. Tất nhiên, bánh mặn thì không bao giờ có phủ đường, và cũng không bao giờ có rắc mè xung quanh bánh.
Làm da bánh rất dễ với các loại bột thông dụng, rẻ tiền là bột gạo, bột nếp, khoai tây hoặc khoai lang, một vài viên men làm bột bánh cam (tùy lượng bột mà dùng số viên men nhiều hay ít). Trong bài viết về bánh cam, bánh còng, tôi có nói rõ cách làm bột. Tuy nhiên, hơn ba năm rồi, độc giả có đọc bài đó chắc cũng đã quên, còn độc giả chưa đọc tất nhiên là không biết, nên tôi phải nhắc lại một chút.
Cứ pha tám phần bột nếp với hai phần bột gạo là đúng kiểu, bột nếp làm cho da bánh dẻo, bột gạo làm cho bánh cứng hơn một chút và giòn. Ở quê, người ta làm bánh bằng bột tươi, tức là ngâm gạo, nếp trong nước sạch một đêm, vút lại cho sạch rồi xay thành bột bằng cối đá, gạn hết mài đi cho bột thật mịn và trắng, rồi cho vô bồng bột dằn xuống bằng cái thớt cối trên. Khi nước trong bột chảy ra hết, còn lại cục bột ướt dẻo dẻo thì đem ra làm bánh. Làm bánh hôm nào thì xay bột hôm đó.
Bột tươi bao giờ cũng cho ra bánh thơm hơn, ngon hơn, dẻo hơn bột làm sẵn mua ngoài chợ (bột cũ). Ngoại tôi hay nói: “Bột bán ngoài chợ làm bánh ăn vô bịnh (không hiểu bịnh gì, chắc hồi xưa bảo quản bột không đóng gói như bây giờ nên bột bị mốc, đắng?) bột xay ở nhà ăn mới tốt”.
Người ta cân lượng gạo, nếp ngâm chung rồi xay chung một lượt cho tiện.
Hấp chín thêm khoai lang trắng lớn củ hoặc khoai tây (cân nặng bằng bột nếp), lột bỏ vỏ, tán mịn. Trộn chung bột gạo nếp, bột gạo, chút đường, chút muối với nhau. Viên men (công dụng làm bột nở xốp) cũng tán mịn trộn chung với bột. Cho bột vô cái thau, khoét một lỗ chính giữa thau bột. Rót một ít nước ấm vô giữa, hất bột xung quanh xuống nhồi trộn. Lại tiếp tục làm y vậy nhiều lần cho tới khi bột trở thành một cục dẻo, mịn, không dính tay, không khô cũng không nhão, thì trộn khoai nghiền vô nhồi tiếp tục cho thiệt đều.
Làm bột quan trọng ở chỗ kinh nghiệm, sự cảm nhận tinh tế của đôi bàn tay người đầu bếp, chớ không thể diễn tả bằng chữ viết hay lời nói được. Ai đã từng nhồi đất sét nắn đồ chơi thì biết cảm giác này. Nhồi bột cho tới khi thấy bột mềm dễ nắn như cục đất sét vậy. Cho bột vô bọc nilon gói kín lại để bột nghỉ và nở ra, khoảng từ 30 phút đến một tiếng. Cho bột nghỉ tức là thời gian đủ cho hạt tinh bột ngậm no nước, làm bột thêm dẻo, dai. Khi muốn nắn bánh thì mở bọc nilon đem bột ra nhồi lại lần nữa để thử độ dẻo của bột, thấy khô thì phải thêm nước, ướt thì rắc thêm bột nếp khô vô.
Trong khi cho bột nghỉ thì ta làm phần nhưn bánh. Dùng thịt nạc vai heo bằm nhuyễn hoặc xay nhỏ. Các chợ đều có bán thịt heo xay sẵn rất tươi ngon và rẻ, loại nạc tinh và loại có mỡ, thích ăn loại nào cứ mua loại đó. Củ cà rốt gọt vỏ bào sợi rồi xắt nhỏ. Chút bún tàu ngâm nước cho mềm để dễ cắt nhỏ ra thôi, bún tàu có công dụng làm nhưn thêm dai và hút nước cho nhưn khô, nên đừng ngâm lâu quá bún tàu nở tè le và không hút nước nữa. Nấm mèo (mộc nhĩ) ngâm nước cho nở, rửa sạch xắt sợi nhỏ. Củ hành tây lột vỏ, rửa sạch rồi bằm nhỏ. Trộn các thứ vật liệu làm nhưn chung với nhau, nêm thêm gia vị (muối, đường, bột ngọt hoặc hạt nêm, hột tiêu xay), thêm một chút bột củ năng (bột mì tinh) để nhưn bánh không bị bời rời. 
Có người thích làm những cái bánh cam mặn bự và dài nên không bằm thịt, mà xắt thịt thành từng miếng dài dài, khi nắn bánh thì xếp những lát thịt này vô.
Nắn bánh cũng đơn giản. Nếu nhà có bàn mặt bằng nhôm láng thì rất tiện, bằng không dùng bàn mặt gỗ, mặt nhựa thì trải một tấm nilon trắng trải bàn lên, cột túm bốn góc tấm trải bàn để cố định nó không chạy qua chạy lại khi ta cán bột. Trên mặt bàn thoa một ít bột mì khô chống dính. Bột ngắt ra từng cục vo tròn lại để sẵn. Nhưn cũng vo sẵn thành cục như cục xíu mại, lớn nhỏ tùy ý. Lấy cục bột ấn xuống cho bẹp ra, múc cục nhưn để vô giữa miếng bột, túm mép miếng bột lại bóp mạnh cho mép miếng bột dính vào nhau, rồi vo cục bột trong lòng bàn tay cho tròn lại là xong. Muốn có cái bánh dài thì kéo cục bột dài dài ra, cán dẹp, bỏ nhưn vô rồi vo lại thành cuốn hình trụ.

Bắc sẵn cái chảo sâu lòng, cho nhiều dầu ăn hoặc mỡ heo vô chảo. Chờ dầu (hoặc mỡ) sôi lăn tăn thì thả nhẹ những cái bánh đã nắn xong vô chảo, chiên tới khi bánh chín vàng xung quanh, nổi lên mặt thì vớt bánh lên cái giá kim loại gác ngang chảo để bánh nhỏ hết dầu mỡ xuống, xong lấy ra dĩa. Ðừng cho lửa to quá bánh mau cháy bên ngoài mà bên trong chưa kịp chín. Cũng đừng cho vô chảo một lúc nhiều bánh quá làm cho độ nóng của dầu chiên bị giảm xuống thì bánh chiên không nở xốp, không giòn, kêu là bị “chai” đó. Dĩa đựng bánh nên lót sẵn giấy ăn để thấm dầu mỡ dư, bánh sẽ giữ được khô giòn lâu hơn, ăn cũng đỡ ngấy chất béo hơn.

Bánh cam mặn cũng ăn với nước mắm ớt chua ngọt, có thêm dưa chua được làm bằng củ cà rốt, củ cải trắng xắt sợi dài như que tăm, kèm với rau sống giống như kiểu chúng ta ăn bánh cóng chiên. Bánh cam mặn có vị ngon khác biệt với bánh cóng ở chỗ bột làm da bánh cam bên ngoài giòn, xốp, mà bên trong thì mềm và dai; bánh cóng thì bột chiên có trộn đậu xanh nguyên hột đã hấp chín, xốp và giòn, không dai.
Bánh vừa chiên xong, vừa ráo dầu mỡ, còn bốc hơi nóng hổi mà ăn liền thì ngon vô cùng. Thời tiết mùa Thu hơi lành lạnh ăn bánh cam mặn mới chiên thì còn hơn cả chữ ngon nữa đó.
TPT - (Little Sài Gòn, Ca)
_________________

DUYÊN PHẬN

Có những người vẫn ở bên cạnh chúng ta, nhưng thực ra, chúng ta đã chia tay họ từ lâu.

Đó có thể là người bạn từng thân thiết, từng cười đùa suốt cả ngày, chia sẻ với nhau từng câu chuyện nhỏ nhặt nhất. Bỗng một ngày, cả hai đều bận rộn, những tin nhắn thưa dần, rồi im bặt. Gặp lại nhau, chẳng còn hào hứng kể chuyện cũ hay hỏi han về hiện tại, vì khoảng cách đã phủ một lớp bụi dày lên những kỷ niệm.

Đó có thể là người thân trong gia đình, sống chung một mái nhà, nhưng chẳng còn hiểu nhau. Bữa cơm vẫn ăn cùng, lời hỏi han vẫn cất lên, nhưng thiếu đi sự ấm áp, thiếu đi sự kết nối từ tận đáy lòng. Những xung đột không giải quyết, những tổn thương không chữa lành đã âm thầm biến tình thân thành nghĩa vụ, biến những cuộc gặp gỡ thành hình thức xã giao.

Đó có thể là người bạn đời, người từng nắm tay vượt qua giông bão, từng thề hẹn bên nhau suốt đời. Nhưng giờ đây, cả hai như hai hành tinh cô độc, quay quanh quỹ đạo của riêng mình, thi thoảng chạm vào nhau trong những khoảnh khắc trống rỗng. Không còn sự tin tưởng, không còn những cuộc trò chuyện thâu đêm, chỉ còn sự im lặng kéo dài và cảm giác xa lạ ngay trong chính tổ ấm của mình.

Chúng ta vẫn ở cạnh nhau, vẫn thực hiện những bổn phận, vẫn cố gắng duy trì những sợi dây vô hình ràng buộc. Nhưng thật ra, lòng đã rời đi từ rất lâu. Đã chia tay không phải bằng lời nói, mà bằng cảm giác, bằng sự vô tâm, bằng nỗi cô đơn ngay giữa sự hiện diện của nhau.

Sưu tầm

https://www.facebook.com/share/1BdnL1XeiY/?mibextid=wwXIfr

________________________________

Sunday, March 23, 2025

Kotatsu - Người bạn vàng trong làng “ sống sót” thời sinh viên

ê

(Hồi ức thập niên 70 -- Kotatsu lên ngôi)

Hồi đó, tầm thập niên 1960-1970, tụi sinh viên chúng tôi sống kiểu "tối giản mà không tối giản". Nghĩa là đồ đạc thì ít, nhưng cái nào cũng phải đa năng, không thì be toàn diện. Trong danh sách "vật bất ly thân", ngoài cái đồng hồ báo thức (để lỡ có ngủ quên thì còn biết mà bật dậy chạy đi học - đi thi), cái mền điện (để khỏi chết cóng giữa mùa đông), và cái tủ lạnh "to đùng" (mà thực ra chỉ chứa vài hộp mì với chai nước), thì cái bàn kotatsu chính là "vua của mọi nhà".

Mỗi năm, cứ đến tháng 12 hay tháng 1, thi xong cái kỳ thi "Monbusho" -- giờ người ta gọi là JLPT với mấy cấp N1, N2, N3 các kiểu -- là tụi tôi lại bước vào mùa "đi trường". Nghe thì oách, nhưng thực ra là lùng sục xem trường nào nhận mình với kết quả A, B, C, D. Được A hay B thì vênh mặt lên trời, .n C hay D thì... thôi, cứ từ từ mà "tuột dốc không phanh". Đậu trường xong, lại đến giai đoạn chọn chỗ ở. Bạn bè tôi thời đó, sau năm học Nhật Ngữ 1972, tan đàn xẻ nghé: đứa xuống Akita, đứa sang Fukui, Yamagata, Nagoya.. Chỉ còn gặp nhau vào dịp hè hay nghỉ lễ dài. Riêng tôi thì bám trụ Tokyo, vì sợ xa cái náo nhiệt là buồn chết!

Chỗ ở mới thì thường bé tí, sang lắm thì 6 chiếu, bình dân thì 4 chiếu rưỡi, còn "bần cùng hóa" thì 3 chiếu là cùng. Đồ đạc trong nhà, từ cái bàn kotatsu đến cái ghế gãy chân, thường được các sempai "sang tay" lại với giá rẻ như cho, hoặc cho không luôn. Tôi may mắn "thừa kế" một cái kotatsu vuông vức, đã qua hai đời chủ, nhìn hơi xước xát nhưng vẫn "ngon cơm".

Kotatsu -- "Ông hoàng đa nhiệm"

Nói không ngoa, cái bàn kotatsu là trung tâm vũ trụ của đời sinh viên tôi. Nó không chỉ là bàn học, bàn ăn, mà còn kiêm luôn... giường ngủ! Đặt nó giữa cái phòng bé tí, trùm cái chăn futon lên, bật lò sưởi bên dưới, thế là xong -- một thiên đường ấm áp giữa mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. 

Theo "Bác Google" -- người thầy vĩ đại của nhân loại -- thì kotatsu là loại bàn sưởi đặc biệt, gồm khung gỗ, lò sưởi, chăn futon, và mặt bàn. Cao khoảng 35-43 cm, vừa đủ để ngồi bệt mà không bị mỏi lưng (nếu mỏi thì tại bạn ngồi lâu quá, đừng đổ lỗi cho nó!).

Hồi đó, tầng 2 căn apato của tôi nằm sát mặt đường, gió lạnh rít từng cơn luồn qua khe cửa như muốn trêu ngươi. Về đến nhà, việc đầu tiên là thò chân ngay vào kotatsu, cảm giác ấm áp lan tỏa từ gót lên tới đầu, sướng rơn cả người! Đói bụng? Đừng lo, ngay bên cạnh có cái ấm điện -- nước sôi sùng sục là đổ vào hộp mì ly, chờ 3 phút, thế là "tùn tụt" no căng. Vẫn đói? Ném hai lát bánh mì vào lò nướng, chờ tiếng "tạch" bật ra, phết tí bơ (hoặc sang chảnh hơn là vài lát "hăm"), nhai rau ráu là xong một bữa "hoành tráng". Muốn xem tin tức? Rút chân ra khỏi kotatsu, với tay bật cái TV đen trắng gần đó -- dù tiếng Nhật hồi đó tôi chỉ hiểu lõm bõm, xem xong toàn đoán mò!

Ngày thi gần kề, kotatsu lại biến thành "chiến trường học tập". Gạt hết mớ đồ lỉnh kỉnh sang một bên, lôi sách vở ra, bên cạnh là hai "bảo bối" không thể thiếu: quyển "Đương Dụng Hán Tự" và tự điển "Hán Việt Thiều Chiểu". Chẳng như bây giờ, quẹt điện thoại vài phát là ra hết đáp án, hồi đó tra từ mỏi cả tay, mà vẫn vui!

Kotatsu -- "Trụ sở" của hội bạn thân

Những hôm buồn buồn, có thằng bạn nào rảnh rỗi ghé chơi, câu hỏi đầu tiên bao giờ cũng là:

• "Nhà mày có đủ chăn không?"

• "Chăn thì không, nhưng kotatsu thì có!"

• "Vậy là đủ, tao qua ngay!"

Rửa chân cho bớt "mùi" (vì đôi vớ đi cả tuần chưa giặt), bốn thằng bốn góc, chân đụng chân trong kotatsu, chẳng ai phàn nàn. Trên bàn bày vài hũ sake hâm nóng, thế là tha hồ "chém gió" tới sáng. Muốn ngủ? Đơn giản thôi, ngả lưng ra sau, lấy cái ba lô làm gối, thế là "đi" luôn một giấc tới trưa hôm sau. Mùa hè thì cất chăn đi, kotatsu lại thành bàn học, bàn ăn -- tiện lợi không gì sánh bằng.
_ _

**Kotatsu -- Biểu tượng của sự ấm áp và tình bạn**

Kotatsu không chỉ là một món đồ nội thất, mà còn là biểu tượng của sự ấm áp và tình bạn. Những ngày đông lạnh giá, khi mà cái lạnh thấu xương, kotatsu trở thành nơi trú ẩn lý tưởng. Nó không chỉ sưởi ấm cơ thể mà còn sưởi ấm cả tâm hồn. Những cuộc trò chuyện dài bên kotatsu, những tiếng cười giòn tan, và cả những giây phút im lặng đầy ý nghĩa, tất cả đều trở thành những kỷ niệm khó quên.

*Kotatsu và văn hóa Nhật Bản***

Kotatsu không chỉ phổ biến trong giới sinh viên mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa gia đình Nhật Bản. Vào mùa đông, cả gia đình quây quần bên kotatsu, cùng nhau xem TV, trò chuyện, và thưởng thức những món ăn ấm nóng. Kotatsu trở thành nơi gắn kết tình cảm gia đình, nơi mà mọi người có thể chia sẻ những câu chuyện vui buồn trong cuộc sống.

**Kotatsu trong thời hiện đại**

Ngày nay, dù cuộc sống đã hiện đại hơn rất nhiều, với những thiết bị sưởi ấm tiên tiến, nhưng kotatsu vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Nhiều gia đình Nhật Bản vẫn sử dụng kotatsu như một phần không thể thiếu trong nhà. Nó không chỉ là một món đồ nội thất, mà còn là một phần của ký ức, của những kỷ niệm đẹp đẽ.
----
Kotatsu không chỉ là một chiếc bàn sưởi, mà còn là một người bạn, một phần của cuộc sống. Nó mang lại sự ấm áp, niềm vui, và những kỷ niệm khó quên. Dù thời gian có trôi đi, dù cuộc sống có thay đổi, kotatsu vẫn mãi là một phần không thể thiếu trong trái tim của những người đã từng trải qua những ngày đông lạnh giá bên nó. 

**"Natsukashii ne! Kotatsu banzai!"**


______________________________

Thư Gởi Các Bạn Cao Niên Của Tôi

Phạm Lê Huy

Các Bạn Cao Niên thân mến của tôi,

Tôi gọi “Các Bạn Cao Niên” là để “nhắc” rằng bọn mình vẫn còn tráng kiện, minh mẫn... (sic !), chứ không phải già cả, lụ khụ nhớ trước quên sau. Đó cũng là một cách an ủi tuổi già.

Hổm rày thành phố tôi mưa liên miên mưa dai dẳng, khi thì lâm râm khi thì dầm dề... nên tôi bị “pó chân”. Muốn chạy xuống Sài Gòn Nhỏ sắm vài món đón Tết (trong đó có món mà tôi thích nhất là bộ quốc phục áo lương khăn đống, mặc vào để khoe mình là... cao niên) nhưng đành chịu, bó gối ru rú ngồi nhà; nhìn ra ngoài kia mưa vẫn mưa trong màn trời xám xịt.

Friday, March 21, 2025

Không gian tự do của người khác ..

 Vy Phạm

Hôm qua có chị bạn tuổi 65 có một con trai duy nhất, đã có vợ cùng 02 cháu nội tâm sự. Chị nói chị làm tất cả vì con, cho con, cho cháu là do chị rất thương con, thương cháu mà sao tụi nó không vui với chị, không nghe lời khuyên của chị, không làm đúng ý chị. Nhiều lúc chị bị căng thẳng, lo lắng, sợ sệt và sì trét, mất ăn, mất ngủ luôn. Chị buồn.

Thursday, March 20, 2025

Lời hay Lỗ

 HO VAN NGUYEN 

Hôm nay là ngày cuối cùng để các công ty commercial khai và nộp thuế lợi tức cho chính phủ. Giao ba lá thư cho nhân viên Bưu Điện xong. Ra xe vừa lái về vừa ngẫm nghĩ. Chính quyền Hoa Kỳ cho di dân vào định cư, cuối cùng họ lời hay lỗ?